15 sai lầm phổ biến của 99% người trẻ

Có câu nói: "Khi về già, người ta thường hối hận vì những điều mình đã không làm hơn là những gì mình đã làm." 15 sai lầm phổ biến dưới đây được gặp ở đại đa số người trẻ. Biết để thay đổi và sống ít hối tiếc hơn.


1. Không làm việc mình yêu thích

 
Trên đường đời có rất nhiều ngã rẽ, mà cuộc sống lại quá ngắn ngủ. Vì vậy, đừng ngần ngại tìm lối đi cho riêng mình, cũng đừng vì quan điểm của người khác mà ép bản thân phải đi lại con đường của họ.
 
Muốn yêu ai, hãy lấy hết can đảm theo đuổi người đó; muốn học chuyên ngành gì, đừng ngần ngại viết tên ngành đó lên giấy đăng ký nguyện vọng; muốn đi tới một chân trời mới, đừng lo sợ trước những rào cản về địa lý, văn hóa, kinh tế… Cuộc đời giống như một chuyến du dành, bạn đã và đang tham gia vào chuyến hành trình ấy, không đi tới tận cùng chẳng phải là điều rất đáng tiếc hay sao?
 

2. Không thực hiện ước mơ của bản thân

 
Hầu hết chúng ta đều có ước mơ ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng đến khi lớn lên, cuộc sống thực tế đã "đánh bật" và "nhấn chìm" tầm nhìn của những điều mà chúng ta thực sự mong muốn trước kia. Hãy nghĩ rằng: Có rất, rất nhiều người trên thế giới này đang cố gắng biến ước mơ của họ trở thành sự thật. Vậy tại sao bạn không làm điều đó? Hãy là một người trong số họ.
 

3. Không tắt điện thoại nhiều hơn

 
Nhiều người trong số chúng ta không thể rũ bỏ được cơn nghiện email hay điện thoại. Chúng ta ngủ với chúng, mang chúng đi mọi nơi. Chúng ta biết rằng liên tục kiểm tra email và Facebook vào các buổi tối hay những ngày cuối tuần sẽ lấy mất đi thời gian quý giá với bạn bè và gia đình. Nhưng chúng ta vẫn không dừng lại.
 

4. Chưa nói lời cảm ơn với người mình yêu thương

 
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng chúng ta thường giữ lễ với người ngoài, nhưng lại quá xuề xòa với người thân. Vận dụng tốt ngôn ngữ là một môn học quan trọng trong giao tiếp giữa người với người mà không hề phân biệt thân – sơ.
 
Do đó, dù có là người thân thiết với bạn đến đâu, hãy đừng ngại ngùng hay xấu hổ khi dành cho họ những lời "cảm ơn", "xin lỗi" hay những từ ngữ yêu thương. Đó mới là cách tốt nhất để duy trì tình cảm, tình thân.
 

5. Không coi trọng sức khỏe của bản thân

 
Đây là lỗi mà hầu hết ai trong số chúng ta đều mắc phải. Chắc hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến sức khỏe của mình cho đến khi bị cảm cúm phải không? Lúc đó, có thể bạn mới bắt đầu nghĩ rằng "Tại sao mình lại không chăm sóc bản thân những lúc có sức khỏe tốt?". Chính vì vậy, hãy tự chăm sóc bản thân, không chỉ những lúc ốm đau.
 

6. Làm việc quá nhiều

 
Bạn sẽ cân bằng như thế nào giữa việc chạy theo những deadline ngắn hạn tại văn phòng và ngồi ăn tối với gia đình? Đó là một quyết định khó khăn. Luôn có những mối bận tâm. “Sếp và đồng nghiệp của tôi sẽ nghĩ như thế nào? Cũng chẳng quan trọng vì tôi sẽ thức khuya để làm việc lần này. Tôi sẽ bù đắp cho gia đình vào cuối tuần.” Nhưng sự “bù đắp” đó dường như không bao giờ xảy ra. Ngày thành tháng và rồi thành năm và sau đó là cả thập kỷ.
 

7. Lo lắng những điều người khác nghĩ về mình

 
Đừng lãng phí thời gian lo lắng xem người khác nghĩ gì về bạn. Con người thường hay ảo tưởng rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mỗi việc bạn làm sẽ luôn có hàng ngàn cặp mắt theo dõi và đánh giá. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng rảnh rỗi để đi "soi mói" người khác. Bạn hãy cứ sống là chính mình và tự do làm những điều mình thích.
 

8. Không giữ liên lạc với một vài người bạn tốt từ thời thơ ấu và hồi trẻ

 
Thường sẽ có một người bạn từ thời cấp 3 hay thời thơ ấu đã từng là bạn thân nhất của chúng ta. Và rồi, một người chuyển đi. Chúng ta có thể vẫn giữ liên lạc nhưng rồi lại bận. Chúng ta luôn tự hỏi sẽ thế nào nếu có thể ngồi uống cà phê với họ thêm lần nữa.
 

9. Chưa tận tâm tận lực giúp đỡ người khác

 
Sự vô tâm bắt nguồn từ sự lạnh lùng cố hữu trong tâm can hoặc tâm lý sợ hãi đang tồn tại trong không ít người. Vì thế, họ thậm chí "không dám" làm người lương thiện. Kỳ thực, người lương thiện ngay cả lúc bị thiệt cũng rất ít khi cảm thấy hối hận. Bởi việc sống và hành động đúng với lòng mình mang lại cho họ sự thanh thản, an tâm. Đó cũng là "món quà" mà sự lương thiện trả ơn cho những con người ấy.
 
Không phải cứ vô tâm, tìm cách lánh đời là sẽ có được bình yên. Sự an yên thực sự chỉ tồn tại khi bạn làm đúng với lương tâm, khi con tim và hành động của bạn trở thành "người lương thiện".
 

10. Không bộc lộ cảm xúc thực sự và nói điều mình muốn nói

 
Nhiều người đã phải kìm nén cảm xúc thực để giữ hòa khí với những người khác. Điều đó cũng đồng nghĩa, họ đôi khi phải "đeo mặt nạ" không mong muốn. Vì vậy, khi sắp "gần đất, xa trời", không còn gì để mất, họ cảm thấy cay đắng và căm phẫn với sự kìm nén cảm xúc quá mức của chính mình.
 

11. Không dám sống một mình

 
Mặc dù còn trẻ nhưng bạn luôn phải sống với người khác trong cùng một căn phòng: anh chị em, bạn cùng phòng hoặc vợ chồng. Bạn hãy thử sống một mình, hãy tự lập và làm những điều mình thích, bạn sẽ nhận ra rằng thế giới rộng lớn vô cùng và bạn đã trưởng thành hơn rất nhiều.
 

12. Không sống vui vẻ hơn

 
Có vẻ lạ nhưng hầu như chúng ta không biết làm thế nào để vui vẻ. Chúng ta quá nghiêm túc. Chúng ta bỏ lỡ mất một nửa (hoặc có thể là tất cả) những niềm vui trong cuộc sống bằng cách đó.
 

13. Không lên kế hoạch cho tương lai

 
Một số người trong chúng ta thường sống không có mục đích, cứ sống thế nào cũng được. Mặc dù điều này có thể thú vị ở một khía cạnh nào đó nhưng nó sẽ chẳng đưa bạn đến mục tiêu mà bạn đã chọn. Do vậy, hãy tìm ra thứ mà bản thân bạn muốn làm và bắt đầu hành động.
 

14. Sống vội vã, không coi trọng những việc nhỏ nhặt

 
"Bận, bận, bận" dường như là chủ đề quen thuộc trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay. Bận rộn không phải là không tốt. Nhưng đừng quá bận rộn mà không tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc sống. Như câu châm ngôn "stop to smell the roses - hãy dừng lại để thưởng thức hương hoa hồng" – nghĩa là đừng nên làm việc quá vất vả, hãy nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống.
 

15. Không dạy con cái làm nhiều thứ hơn

 
Con cái yêu quý bố mẹ của chúng, nhưng chúng còn thích làm điều gì đó với bố mẹ nhiều hơn. Chúng ta hiểu rằng tất cả những thói quen mà chúng ta cho là hiển nhiên đều xuất phát từ việc bắt chước bố mẹ của chúng ta. Nếu chúng ta không dành nhiều thời gian với con cái hơn, chúng ta đang cướp đi cơ hội bắt chước chúng ta của chúng.

Theo Cafebiz

Bài khác

Bài viết mới