3 hành vi tiêu cực âm thầm phá hỏng cuộc đời bạn
Hay than trách số phận, dần dần bạn càng gặp thêm nhiều vấn đề hơn, nhiều thất bại hơn.
Trong cuốn sách Điều Bí Mật (The Secret) - tác giả người Australia Rhonda Byrne đã chỉ ra quy luật "Luật hấp dẫn" giải thích về nguyên lý siêu hình của những suy nghĩ tốt mang lại những điều tốt đẹp, và tư tưởng xấu mang lại tai nạn bất ngờ.
Ngay khi ra mắt năm 2014, cuốn sách này đã bán được 20 triệu bản và xuất bản trên 40 ngôn ngữ - điều mà chưa cuốn sách nào trong lịch sử làm được. The Secret trở thành biểu tượng của Luật hấp dẫn trên toàn thế giới kể từ đó.
Theo tác giả Rhonda Byrne: "Bằng cách tập trung suy nghĩ về một thứ, bạn sẽ khiến thứ đó xảy đến với cuộc đời mình, dù nó tích cực hay tiêu cực". Bởi vậy để không muốn phá hỏng cuộc đời của mình, bạn nên từ bỏ những hành vi và suy nghĩ dưới đây:
1. Hay cằn nhằn và nhìn mọi việc đều không thuận mắt
Rhonda Byrne từng nói: "Thế gian đáng sợ nhất là phải nhìn những khuôn mặt luôn cau có. Và điều thấp kém nhất chính là đưa những khuôn mặt khó chịu đó tiếp xúc với người khác".
Trong một nhà hàng, khi mọi thực khách đều đang ăn uống vui vẻ, bỗng nhiên một nam khách hàng đập bàn rồi quát tháo nhân viên là món ăn của ông ta quá mặn.
Mặc dù nhân viên rồi chủ nhà hàng đều đến xin lỗi thực khách, hứa đổi cho ông ta một món khác đồng thời giảm giá toàn bộ 30% hóa đơn thanh toán nhưng người này vẫn không chịu. Ông ta tiếp tục lớn tiếng và chê bai chất lượng món ăn.
Lúc này những người bạn ngồi cùng bàn cảm thấy xấu hổ trước hành động của người đàn ông. Khuyên ngăn không được, họ lặng lẽ rời bỏ bàn ăn. Cuối cùng chỉ còn lại một mình người đàn ông ngồi lại với cơn giận dữ chưa nguôi của mình.
Rhonda Byrne nói rằng cô không biết sau đó mối quan hệ của những người này ra sao. "Điều tôi chắc chắn là họ sẽ xa lánh dần người đàn ông thô lỗ hôm đó. Có một câu nói rất hay: Tính cách quyết định số phận của bạn. Người có tính khí ôn hòa sẽ có cuộc sống khá hoàn mỹ. Còn người có tính khí nóng nảy, hay cằn nhằn sẽ có cuộc sống bất hạnh".
Tính khí bạn thể hiện ra ngoài như thế nào thì ấn tượng của người khác về bạn sẽ như thế đó. Vì thế với những người thành công, họ thường thể hiện thái độ khiêm tốn, lịch sự và "nhẹ nhàng như cơn gió xuân". Còn những người hay cáu gắt, khó chịu với người khác thường không đạt được thành công.
2. Dùng ngôn ngữ để "sát thương" người khác
Dưới đây là câu chuyện của một vị thương gia nổi tiếng Trung Quốc.
"Hồi tôi mới tốt nghiệp đại học có về quê chơi với gia đình. Trong một bữa tiệc, tôi có gặp một người họ hàng xa lâu ngày không gặp. Người này đến vỗ vai tôi rồi nói:
- Ái chà, anh chàng này, tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn nghèo thế này à. Nhìn ở thôn này mà xem, những đứa tốt nghiệp đại học đều kiếm được tiền để mua nhà thành phố rồi đấy.
Tôi bắt đầu nóng mặt nhưng vẫn cười đáp: "Cháu kiếm tiền vừa đủ, thấy cuộc sống hạnh phúc. Đừng so sánh bản thân mình với ai cả, vì có ai biết thực sự những người đó hạnh phúc hay không?"
Người họ hàng này vẫn không buông tha.
- Nói đùa thôi mà cháu đã căng thẳng thế này rồi thì sau này tiền đồ chắc chẳng bằng con nhà người ta đâu.
Bữa tiệc vì thế đối với tôi đã mất đi ý nghĩa đoàn tụ vui vẻ. Cả buổi hôm đó tôi thấy rất phiền lòng và từ đó mối quan hệ của tôi với người họ hàng kia ngày càng xa cách.
Không chỉ có tôi, người đó cũng dùng những từ "sát thương" để nói với nhiều người khác. Kết quả là khi ông gặp khó khăn, chẳng một ai muốn giúp đỡ và ông đã chết trong cô đơn".
Cuối câu chuyện của mình, vị thương gia nói rằng: "Người xưa thường nói: Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nhằm căn dặn con cháu phải suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn. Nhìn lên, lời nói không để xúc phạm tới bề trên. Nhìn xuống, không nên nói những điều làm khổ cho người thấp dưới mình. Nhìn ngó bốn bên, lời nói không gây ra ác độc làm khổ lụy cho bất cứ một ai. Và cuối cùng, nhìn ngang khi phát ra lời nói cũng cố giữ hòa khí, đừng làm mất lòng những đồng bạn đồng hành ngang hàng với mình. Với những người hay nói "sát thương" người khác, người thân bạn bè dần sẽ cách xa họ. Khi họ gặp khó khăn, sẽ chẳng còn ai ở bên".
3. Hay than trách số phận
Trong một bãi đỗ xe của một tiệm tạp hóa, có một vụ va chạm xảy ra giữa hai chiếc xe hơi, tuy nhiên chỉ gây thiệt hại nhỏ cho mỗi bên.
Một người đàn ông nhảy ra khỏi xe hét lớn: "Quá đủ rồi! Tại sao những xui xẻo luôn xảy ra với tôi chứ? Làm như hôm nay chưa đủ mệt mỏi hay sao vậy!"
Trong khi người lái xe còn lại bước xuống, nói với giọng rất bình tĩnh: "May quá, cả hai chúng ta không ai bị thương cả. Thật là tốt, bị tai nạn mà không ai bị xây xát gì".
Cả hai người đàn ông cùng trải qua một sự việc như nhau, nhưng cách họ nhìn nhận lại hoàn toàn khác nhau. Một người tỏ ra khó chịu vì cho rằng mình là nạn nhân trong khi người kia lại xem đó là điều may mắn.
Phản ứng của họ cho thấy rõ ràng về sự khác biệt trong nhận thức.
Những người hay phàn nàn than trách sẽ dễ bị rơi vào vòng ảnh hưởng của Định luật Murphy - "Nếu mọi vật có thể tiến triển xấu, nó sẽ tiến triển đúng như thế".
Việc than thân trách phận sẽ đưa đẩy nhiều người đến một cuộc sống đáng thương khi họ không nhìn ra được những khía cạnh tốt đẹp trong mình. Dần dần họ càng gặp thêm nhiều vấn đề hơn, nhiều thất bại hơn, cảm giác tự thương hại bản thân cũng ngày một tăng thêm.
Triết gia nổi tiếng người Mỹ Ralph Waldo Emerson từng nói: Chúng ta chính là người tạo ra số phận của mình. May mắn hay xui xẻo đều do chúng ta tự tạo ra mà thôi.
"Với những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, bạn có thể nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Nếu bạn chọn "Lẽ ra tôi xứng đáng được hơn thế này", bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi bởi tự xót xa thương thân. Còn nếu bạn tìm kiếm mặt tốt của vấn đề, ngay cả trong tình huống xấu, bạn cùng sẽ được trải nghiệm niềm vui và hạnh phúc", Ralph Waldo Emerson nói.
Theo VnExpress