4 điều kỵ trong quan hệ bạn bè

Đôi lúc vô tư quá sẽ trở thành vô tâm, rồi vô tình làm tổn thương người khác mà lại không hay biết. Bạn bè càng thân thiết lại càng phải cẩn trọng hơn nữa.


Bạn bè kết giao thì nhiều, nhưng bạn thân lại chẳng có bao nhiêu, bởi vậy đối với những người bạn thân thiết thì nhất định phải biết quý trọng. 
 
Nhưng chúng ta thường mắc phải một sai lầm, vì đã coi là bạn thân nên đôi lúc sẽ đùa giỡn quá mức, điều này có thể làm cho đối phương để bụng, từ đó dần dần xa lánh.
 
Người với người giao tiếp với nhau, trong lúc trò chuyện không thể thiếu một chút vui đùa, nhưng đối với bạn bè mà nói, có 4 việc sau là không thể lấy ra để đùa giỡn.
 

1. Không lấy chỗ thiếu sót của người khác để đùa giỡn
 

Nói nhiều tất nói hớ, đặc biệt là những lời nói không lịch sự, dễ dàng gây ra thị phi, cũng làm cho người khác ghét bỏ. Bạn bè thực sự sẽ không bao giờ lấy chỗ thiếu sót của đối phương để cười đùa.
 
Khi chúng ta cười nhạo khiếm khuyết của người khác, thì cũng là đang tự cười nhạo chính mình. Hoàn cảnh bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của bản thân, chúng ta không mau tự sửa đổi tâm thái của mình, còn cười nhạo gì nữa?
 
Dù cho có là bạn bè thân thiết, cũng phải cư xử có chừng mực. Dù cho quan hệ có tốt như thế nào, cũng không thể nói chuyện không kiêng nể gì.
 
Không ai thấy thích thú khi người khác cười nhạo khuyết điểm của mình cả. Đừng chà đạp lên nỗi đau của người khác, bạn bè với nhau lại càng phải như vậy.
 
Có lẽ chúng ta cho rằng chỉ là lời nói vô tình, nhưng có thể sẽ làm cho người khác tổn thương thật sự đấy. Lấy thiếu sót của người khác làm trò đùa, chỉ thể hiện chúng ta là người có tố chất kém mà thôi!
 

2. Không lấy tiền tài ra để đùa giỡn
 

Tục ngữ có câu: “Tiền bạc phân minh”, một khi động đến tiền bạc, sự tình sẽ trở nên phức tạp.
 
Tiền bạc không thể nói đùa, bởi vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, tiền rất dễ làm con người ta mờ mắt, có thể chỉ vì câu nói đùa của chúng ta, mà người khác lại cho đó là thật, cuối cùng thì có hối hận thì cũng đã muộn rồi.
 
Trong “Kiển thường trái” của Bồ Tùng Linh có kể lại một câu chuyện: Lý Công hay làm việc thiện, anh có một người đồng hương tên là Vương Trác, quanh năm làm thuê trong nhà của Lý Công.
 
Bởi vì Vương Trác cả ngày chơi bời lêu lổng, tình cảnh gia đình vì thế mà ngày càng khó khăn. Anh ta hay nhờ Lý Công giúp đỡ, Lý Công cũng luôn hỗ trợ cho anh ta.
 
Một ngày, Vương Trác hỏi mượn Lý Công một đấu đậu xanh bán đi để làm vốn, Lý Công cũng cho mượn, còn vừa nói đùa vừa đưa cho anh ta. 
 
Kết quả một năm trôi qua, Vương Trác không hề có ý định trả lại cho Lý Công. Về sau Lý Công phải hỏi, mới biết được Vương Trác đã tiêu xài hết rồi. Lý Công thấy tội nghiệp cho Vương Trác, nên cũng không hỏi thêm nữa.
 
Vương Trác sau khi chết, báo mộng cho Lý Công, nói rằng mình sẽ chuyển sinh thành một con lừa, để trả tiền một đấu đậu xanh còn thiếu. Về sau con lừa của Lý Công bị thương, đã nhờ bác sĩ đến chữa cho nó, sau khi chữa khỏi thì mang con lừa đi bán. Lý Công sau khi lấy được tiền bán lừa mới phát hiện ra, so với tiền một đấu đậu xanh thì không nhiều hơn cũng không ít hơn.
 
Tiền bạc là không thể đùa giỡn, chỉ vì Lý Công có thái độ không nghiêm túc khi cho vay nên Vương Trác mới không có ý thức để trả nợ.
 

3. Không lấy người thân của bạn ra đùa giỡn
 

Bạn bè lúc đùa giỡn với nhau, ngàn vạn lần không nên lấy người thân của bạn ra để nói đùa. Nếu là bạn bè thân thiết, lại càng phải biết giữ chừng mực, thấu hiểu cho đối phương.
 
Không nên tùy tiện lấy người thân của bạn ra để đùa giỡn. Rất nhiều người sẽ có suy nghĩ như thế này: “Là bạn tốt của nhau, nên đối với những người thân của bạn mình cũng có thể thoải mái nhận xét, bình luận”.
 
Kỳ thực suy nghĩ này là vô cùng sai lầm, chúng ta chỉ chơi với bạn, chứ không chơi với người thân của bạn, nên chúng ta không có quyền nhận xét về những người mà chúng ta không liên quan.
 
Trong cuộc sống không thiếu những người hay nói giỡn về người thân của người khác, làm cho tình bạn tan vỡ. Đùa giỡn đúng mực là thể hiện của sự lễ phép, cũng là một loại tu dưỡng.
 

4. Không lấy sở thích của bạn ra làm trò đùa
 

Mỗi người đều có tín ngưỡng và sở thích của riêng mình. Thế giới chính vì có sự khác biệt nên mới trở nên mỹ hảo. Có thể chúng ta có tín ngưỡng khác nhau, có suy nghĩ và sở thích khác nhau, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể lấy tín ngưỡng và sở thích của người khác ra để đùa giỡn.
 
Tô Thức trong lúc làm quan ở Hàng Châu, có kết giao với hòa thượng Phật Ấn ở chùa Kim Sơn. Một ngày, Tô Thức đi vào chùa tìm Phật Ấn để đánh cờ, nhìn thấy từ đằng xa có một con lừa, liền nói đùa một câu: “Con lừa trọc đầu ở đâu?”.
 
Hòa thượng Phật Ấn sau khi nghe được mới trả lời đầy ẩn ý: “Đông Pha cật thảo” (nghĩa là ăn cỏ ở sườn núi phía Đông, Tô Thức còn được gọi là Tô Đông Pha, ở đây còn có ý là Đông Pha ăn cỏ).
 
Tô Đông Pha cùng Phật Ấn kết giao cũng khá thân thiết, nhưng chưa tới mức có thể đùa giỡn như vậy được. Chúng ta phải biết rằng không phải cái gì cũng có thể đùa giỡn, không phải ai cũng chấp nhận những trò đùa của chúng ta.
 
Phải học được cách tôn trọng cuộc sống của người khác, tránh làm tổn thương đối phương, như vậy tình bạn mới có thể lâu dài.

Theo Tinhhoa

Bài khác

Bài viết mới