6 cách thông minh giúp bạn kiểm soát cảm xúc chốn công sở

Có một điểm chung ở những người thành công đó là họ có khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân rất tốt. Họ hiểu rằng “cảm xúc là kẻ thù lớn nhất của thành công” và do đó họ học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân một cách có chủ đích.


Vẫn biết rằng, kiểm soát được cảm xúc nơi công sở là điều vô cùng quan trọng, thể hiện ra bạn là một người có chuyên nghiệp hay không, có đáng tin cậy hay không. Nhưng trong công việc, chắc chắn không thể nào bạn né tránh được hết những tình huống khiến cảm xúc mình "tăng xông", không thể kiểm soát được.
 
- Sếp đề nghị thưởng nóng cho các ban khác trừ ban của bạn; bạn tức giận.
 
- Sếp không đồng ý với phác thảo bạn mất hàng tuần liền lên ý tưởng; bạn ấm ức.
 
- Hôm nay sức khỏe không tốt nhưng sếp giao cho bạn thêm hàng tá nhiệm vụ; bạn khó chịu.
 
Rất nhiều lí do khiến bạn không thể "bình thường" ở chốn công sở. Không né tránh được, không giải quyết triệt để được, việc cảm xúc lên xuống như "đồ thị hình sin" đôi khi khiến bạn phải tự vấn bản thân rằng mình đã tìm được công việc phù hợp chưa, liệu có tồn tại công việc nào phù hợp với mình không hay đây chỉ là khó khăn ban đầu, mình đã cố gắng đủ chưa, nỗ lực đủ chưa... Những câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày sau khi bạn cởi bỏ tư trang, đặt đồ đạc xuống giường và gối đầu lên giường.
 
Tất nhiên, làm sao có thể trách được vì đó là cảm xúc tự nhiên của con người. Dù bạn có là sếp hay là nhân viên thì chắc chắn vẫn sẽ có những lúc bạn cảm thấy "phát rồ" với cảm xúc của chính mình, với cảm xúc của những người khác, dẫn đến những hành vi bốc đồng, những hành động thể hiện sự chấp nhặt, tức giận…  có tác động rất xấu đến mối quan hệ của bạn và người đối diện. 
 
Ai trong chúng ta cũng đều nhận thức được hậu quả của việc không giữ được bình tĩnh và mất lý trí do nông nổi nhất thời. Tuy nhiên, nếu cứ kìm nén sự tức giận, ấm ức lâu ngày, bạn có thể bị căng thẳng, nặng nhất là cần đến trị liệu tâm lí. Còn nếu bạn biết được những "mánh" này thì chắc chắn ít nhất bạn vẫn còn quyền kiểm soát cảm xúc cá nhân.
 

1. Cần phải hiểu rằng xung đột lớn luôn bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ

 
Giống như một bảng mạch điện tử, các xung đột lớn cũng vậy – nhìn tổng thể đều rất phức tạp và rối rắm, nhưng nếu phân tích từng mảnh nhỏ, bạn có thể hiểu được mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu. Đời sống công sở, muôn đời có những chuyện bằng mặt mà không bằng lòng nhỏ nhặt, dẫn đến những mâu thuẫn lớn.
 

2. Tập trung vào hiện tại tốt hơn là nhìn lại và dằn vặt những sai sót đã qua

 
"Khi bạn phải đối mặt với nhiều nỗi lo, hãy tập trung vào hiện tại. Hãy giải quyết những nhiệm vụ hiện có và đừng nghĩ về điều mà sếp, đồng nghiệp sẽ thực hiện hay về những điều tồi tệ trong tương lai" - Katherine Walker, người sáng lập Trung tâm sức khỏe Lifetime Behavioral Health, gợi ý.
 
Dù việc này "nói dễ hơn làm", nhưng hãy bắt đầu bằng cách hít thở thật sâu và nới lỏng các cơ với những bài tập đơn giản để giữ đầu óc thư thái.
 

3. Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi vô ích không dẫn tới đâu

 
Con người không ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc những sai lầm. Cho dù bạn có tức giận, trách mắng những lỗi lầm của người khác thì cả bạn và họ cũng không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và đổ lỗi cho người khác và ưu tiên cùng nhau trước mắt tìm phương án giải quyết để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra. Bản thân vừa giảm bớt tức giận ảnh hưởng tới sức khỏe, vừa giữ được mối quan hệ hòa hảo và tìm được hướng xử lý vấn đề. 
 

4. Hãy chia sẻ tình huống, bối cảnh của mình với mọi người

 
Trên thực tế, mọi người đều có lý do cho hành động của mình, đặc biệt khi họ đặt suy nghĩ và hành động của mình trong bối cảnh cụ thể, lý giải vì sao những điều đó dẫn tới xung đột. Ví dụ, cả nhóm của bạn không đạt được mục tiêu kinh doanh trong tháng. Sếp trở nên cáu gắt và gần như nổi khùng trong cuộc họp. Xung đột giữa các thành viên nảy sinh nhanh chóng khi mọi người bị đẩy vào thế buộc phải bảo vệ cho hoạt động của chính mình. 
 
Tình huống ở đây có thể là do thị trường chung mà tất cả các nhóm đều không đạt được mục tiêu kinh doanh, và đây là điều công ty phải chấp nhận. Ví dụ này cho thấy, bối cảnh xảy ra tình huống đóng vai trò quan trọng, và nó luôn là kẻ phá đám trong các xung đột chốn công sở.
 

5. Lấy sự tị nạnh của bản thân làm động lực để giải quyết vấn đề nhanh hơn

 
Joyce Marter - người sáng lập Trung tâm trị liệu Urban Balance (Mỹ) chia sẻ: "Sự ghen tị có thể giúp bạn khám phá điều mình thật sự muốn có, nhưng sẽ là không tốt nếu bạn tập trung sức mạnh của mình vì những mục đích tiêu cực như "trả thù" đồng nghiệp hay chạy theo mong muốn của người khác".
 

6. Hãy sẵn lòng quên đi các lỗi lầm cũ nếu như tình huống đã được xử lý

 
Hãy quen với việc bạn đang làm việc trong một môi trường nhiều nhiệt huyết và đam mê. Hãy sẵn lòng nói rằng "Tôi đã hiểu" thay vì câu "Tôi đồng ý" hay "Tôi phản đối" trước khi bạn chắc chắn rằng mình đang đứng ở vị trí nào.

Theo Cafebiz

Bài khác

Bài viết mới