Những điều người Nhật tránh nói với trẻ lại là câu cửa miệng của bố mẹ Việt
Việc bố mẹ quát lên: ’Con chẳng được cái tích sự gì cả’ sẽ khiến con mất tự tin, thu mình lại và không dám thử thách bản thân.
1. Không được, cái này con chưa làm được
Khi con mon men lại gần nồi cơm điện, định xúc cơm. Bố vội chạy lại gần đuổi con ra và nói: "Không được, cái này con chưa làm được". Câu nói đã khiến ý thức muốn được lao động, muốn được thử thách điều mới mẻ, muốn được giúp bố mẹ của con... đều tan biến.
Thay vì hành động như vậy, hãy cầm lấy tay con, dạy con biết cách làm thế nào. Với cách này, con sẽ được trải nghiệm, có cảm giác mình đã làm được mà không gặp nguy hiểm. Đồng thời, khi vừa hướng dẫn con, bố mẹ còn có thể giải thích cho con vì sao phải cẩn thận.
2. Con chẳng được việc gì cả
Khi con làm vỡ cốc, đổ nước... nhiều bố mẹ hay quát lên: "Con chẳng được cái tích sự gì cả" hoặc "Con lại làm đổ rồi".
Nếu trẻ thất bại vì tay con yếu, vì kỹ năng chưa thành thạo thì thất bại là cơ hội để trẻ luyện tập thêm. Nếu trẻ lỡ tay vì không cẩn thận thì thất bại cho thấy suy nghĩ của trẻ vẫn chưa đủ chín chắn. Trường hợp nào cũng vậy, câu nói: "Con chẳng được việc gì cả" sẽ đóng sập cánh cửa tương lai của bé lại, khiến bé mất tự tin, thu mình lại, không dám thử thách.
3. Nhanh lên nào, nhanh lên nào
"Nhanh lên. đến giờ mẹ đi làm rồi", "Nhanh lên, đến giờ đi ngủ rồi"... là những câu nói mà nhiều người quen dùng để giục bé làm một việc gì đó. Vấn đề là không phải là trẻ chậm chạp mà do tốc độ suy nghĩ, đối tượng suy nghĩ của trẻ khác người lớn mà thôi.
Việc nói với con "nhanh lên nào, nhanh lên nào" chỉ khiến trẻ bấn loạn, không biết phải làm gì. Thay vào đó, hãy đưa ra các câu hỏi gợi ý bé các bước tiếp theo. Chẳng hạn:
- Bây giờ là giờ chuẩn bị làm gì nhỉ? Nếu là giờ chuẩn bị đi ngủ, sao con chưa vào giường?
- Bây giờ mặc quần áo xong rồi thì ra đi giày nhé. Mẹ chuẩn bị xong rồi đi học ngay thôi.
4. Mẹ/bố đang bận, để tí nữa nhé
Khi con muốn nói chuyện mà bố mẹ lại đáp lại con bằng một câu như: "Mẹ/bố đang bận, chờ tí" hoặc lơ con đi thì với trẻ, không có điều gì tổn thương hơn thế.
Nếu thật sự bố/mẹ đang bận, hãy nói với con rằng: "Bây giờ bố/mẹ đang làm việc này, chờ bố/mẹ một chút, mẹ sẽ nói chuyện với con nhé". Cùng là một câu nói để "hoãn binh" nhưng cách nói này sẽ khiến bé không bị tổn thương. Tuy nhiên, hãy cố gắng sắp xếp công việc để lắng nghe điều con nói ngay lúc đó vì nếu để lúc sau, có thể bé sẽ không còn muốn chia sẻ nữa.
5. Tại bố mày đấy/Tại mẹ mày đấy
Khi cả nhà để quên đôi giày của con trên ô tô hoặc ở đâu đó, nhiều người có thói quen nói: "Tại mẹ mày/bố mày quên đấy". Như vậy, dù không cố ý thì người lớn cũng dạy trẻ thói quen đổ lỗi cho người khác. Và lần sau, mỗi khi có gì sai sót, trẻ sẽ buông ngay câu: "Tại bố/mẹ đấy". Điều quan trọng là dạy cho trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm với hành động, biết cách quản lý đồ đạc của mình từ bé.
6. Con phải ngoan, phải chơi vui vẻ với các bạn đấy nhé
Đây là yêu cầu quá sức với trẻ. Ngay với cả người lớn, hoà đồng được với tất cả mọi người cũng rất khó khăn huống chi là trẻ. Và nhất là khi trẻ đang trong giai đoạn học cách thiết lập các mối quan hệ, nếu không cho trẻ đánh nhau, giành đồ với bạn bè thì trong tương lai, trẻ sẽ không biết phải ứng xử thế nào khi có xích mích với bạn bè.
7. Chỉ hôm nay thôi đấy nhé, chỉ lần này thôi đấy nhé
Khi đi siêu thị, trẻ đòi bố mẹ mua quần áo hay món đồ nào đó, bố mẹ tặc lưỡi mua và sau đó thì nói: "Hôm nay thôi đấy nhé, lần này thôi đấy nhé". Việc dạy con biết kìm nén là điều quan trọng nhưng một khi bố mẹ đã cho con phá lệ một lần thì con sẽ biết phá lệ lần thứ 2. Chính vì vậy, đừng bao giờ nói với con: "Chỉ hôm nay thôi đấy nhé".
8. Nói nhiều quá, hỏi nhiều quá
Trẻ con hay nói luôn miệng, hỏi luôn miệng, nhiều khi cùng một câu hỏi mà con hỏi đi hỏi lại suốt mấy lần. Nhiều người không chịu được đã mắng con: "Hỏi nhiều quá, mẹ vừa trả lời rồi còn gì". Chính trẻ con cũng không biết tại sao lại muốn hỏi nhiều lần thế nhưng thái độ gắt gỏng của mẹ sẽ khiến bé sợ nói ra những suy nghĩ của mình vì sợ bị mẹ mắng.
9. Con ngoan, con học giỏi bố/mẹ mới yêu
Tình yêu của bố/mẹ dành cho con mà gắn với điều kiện như vậy sẽ khiến trẻ hiểu nhầm rằng thành tích sẽ đổi được đồ chơi, quần áo và tình yêu từ bố/mẹ. Một đứa trẻ dù bị bố/mẹ mắng hay đánh đòn đến phát khóc vẫn ôm chặt lấy chân bố/mẹ - đó là vì con yêu bố/mẹ vô điều kiện. Vì vậy, dù là trong lời nói, bố/mẹ cũng đừng bao giờ lấy tình yêu của mình ra làm điều kiện trao đổi. Tình yêu của bố mẹ không phải là đích để con vươn tới, nó phải là bàn đạp và bệ đỡ để con vươn tới thành công.
Sưu tầm
Tags: Dạy con Giáo dục trẻ Cha mẹ Yêu thương Khích lệ Dọa nạt Sợ hãi Điều kiện Đổ thừa Trách nhiệm Tự lập