Ai rồi cũng sẽ cưới nhầm người

Đây là một trong những điều ta e sợ sẽ xảy ra với mình nhất. Ta tìm mọi cách để tránh né. Nhưng rồi kết quả vẫn y nguyên: Chúng ta chọn sai bạn đời.


Phần nào lý do là bởi một mớ rối rắm những vấn đề sẽ xuất hiện khi ta cố gắng trở nên gần gũi hơn với một ai đó. Ta chỉ trông có vẻ bình thường trong mắt những người không mấy thân quen. Ở một xã hội khác khôn ngoan và thấu hiểu bản thân hơn thế giới của chúng ta, câu hỏi phù hợp cho một buổi hẹn hò ăn tối sẽ là: "Thế em/anh có thể phát rồ đến mức nào?"
 
Có thể bạn có xu hướng tiềm ẩn là nổi điên mỗi khi gặp ai đó bất đồng ý kiến, hay thuộc tuýp người chỉ tìm thấy bình yên trong công việc; có thể bạn coi trọng việc âu yếm sau khi làm tình, hay có thói quen im bặt khi xấu hổ.
 
Chẳng có ai là hoàn hảo. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta hiếm khi nào chịu thấu hiểu những phức tạp của bản thân trước khi tiến tới hôn nhân. Để đến khi một mối quan hệ đe dọa ta bộc lộ ra những khiếm khuyết của mình, ta liền đổ lỗi cho đối phương rồi tung hê tất cả. Về phần bạn bè thì, họ không hơi đâu mà bỏ công sức ra khuyên nhủ ta đến cùng. Thế nên một trong những đặc điểm của việc độc thân là nó cho ta một ấn tượng về bản thân rằng ta đang là đối tượng thực sự dễ cùng chung sống.
 
Người bạn đời của chúng ta cũng không khá khẩm hơn trong vấn đề nhận thức bản thân. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta nỗ lực tìm hiểu họ. Ta đến thăm gia đình họ. Ta xem những bức ảnh, gặp những người bạn học cùng họ. Tất cả những thứ ấy khiến ta lầm tưởng nghĩa vụ của ta đã hoàn thành. Nhưng không. Hôn nhân theo cách ấy dẫn đến một canh bạc đầy hứa hẹn, hào phóng và vô cùng tử tế, được chơi bởi hai con người còn chưa hiểu hết bản thân mình là ai và đối phương có thể là ai, tự trói buộc nhau vào một tương lai chưa thể hình dung cụ thể, một tương lai họ đã thận trọng tránh né phải điều tra kĩ càng.
 
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, người ta kết hôn vì những kiểu nguyên nhân đầy lý trí: bởi vì cô nọ sống ngay ở làng bên, gia đình anh kia đang ăn nên làm ra, bố của cô ấy làm quan, được kế thừa cả một dinh thự, hay đơn giản là cả cha mẹ hai bên cùng theo một tôn giáo. Và chính trong những cuộc hôn nhân đầy lý trí ấy, người ta hứng chịu sự cô đơn, sự phản bội, ngược đãi, giày vò con tim, và tiếng những đứa trẻ con gào khóc. Hôn nhân của lý trí, cuối cùng như chúng ta đã thấy, không hề có nghĩa lý gì cả; nó chỉ mang tính hạ sách, thiển cận, hợm hĩnh và đầy thực dụng. Đấy chính là lý do tại sao nó nhường ngôi cho hôn nhân của tình cảm - xuất hiện về sau như một lẽ hiển nhiên.
 
Mấu chốt của một cuộc hôn nhân tình cảm chính là ở chỗ hai con người bị thu hút bởi nhau bằng bản năng dâng trào và biết với con tim rằng, điều này là đúng. Thực chất, một cuộc hôn nhân trông càng có vẻ hấp tấp (nó diễn ra có lẽ chỉ sáu tháng sau khi họ gặp nhau, một trong hai người đang thất nghiệp hoặc cả hai đều chưa đến tuổi trưởng thành) lại càng tạo ra cảm giác an toàn. Sự hấp tấp ấy được dùng để cân bằng với mọi sai lầm trước kia của lý trí - thứ chất xúc tác cho sự khốn khổ, thứ nhu cầu của con buôn. Sự lên ngôi của bản năng bây giờ là kết quả của bao nhiêu thế kỉ qua bị lý trí làm cho tổn thương quá nhiều.
 
Nhưng dù cho chúng ta có tin rằng bản thân đang tìm kiếm hạnh phúc trong hôn nhân, thực tế không đơn giản như vậy. Cái ta thực sự tìm kiếm là sự quen thuộc – thứ có thể làm đảo lộn mọi lộ trình ta đã vạch ra cho hạnh phúc. Thông qua các mối quan hệ thời trưởng thành, ta mong muốn tái tạo những xúc cảm thân thuộc thuở nhỏ.
 
Thứ tình yêu ta từng trải nghiệm khi ấy, giờ đây hay bị lẫn lộn với những tình cảm khác, với động lực mang tính phá hủy: cảm giác muốn giúp đỡ một người trưởng thành đang lạc lối, cảm giác thiếu vắng tình thương của cha mẹ, luôn sợ hãi cơn giận của anh ta, hay nỗi bất an không dám thổ lộ những ước mong của mình. Cứ thế, thật hợp lý, ta thấy mình trong vị trí một người trưởng thành đang loại dần đi những ứng viên phù hợp để tiến tới hôn nhân, không phải vì họ sai, mà vì họ quá chuẩn - quá vững vàng, trưởng thành, thấu hiểu, đáng tin cậy - mà trái tim của ta thì không quen với sự chuẩn mực ấy. Chúng ta chọn sai bạn đời vì bản thân không kết nối được cảm giác hạnh phúc với cảm giác được yêu thương thực sự.
 
Ta phạm sai lầm cũng bởi vì ta quá cô đơn nữa. Không chịu đựng nổi cuộc sống độc thân - ấy hoàn toàn không phải là tâm thế tốt nhất để đi tìm kiếm một người bạn đời. Phải hoàn toàn chấp nhận được viễn cảnh nhiều năm tháng cô đơn rồi hẵng thanh thản mà kén chọn, bằng không rất có thể ta sẽ lầm tưởng không biết mình yêu cái gì hơn: người bạn đời cùng ta sẻ chia duyên phận hay việc thoát khỏi cô đơn do có người bạn đời ấy.
 
Điều cuối cùng, chúng ta kết hôn để khiến một mối tình đẹp hóa thành vĩnh cửu. Ta mường tượng ra rằng cuộc hôn nhân sẽ giúp ta giữ gìn khoảnh khắc vui tươi xuất hiện mỗi khi ta nhớ đến cảnh cầu hôn: có thể đó là ở Venice, dưới chân một dòng thác, hay trên một chiếc thuyền mô-tô, với ánh hoàng hôn mặt trời thả những tia lấp lánh vàng rơi dọc biển cả, thủ thỉ với nhau về những ngõ ngách của tâm hồn ta nơi chưa ai từng đặt chân tới, cùng nghĩ về bữa tối sẽ diễn ra ít lâu sau trong một nhà hàng cơm Ý risotto. Ta kết hôn để khiến những rung động ấy kéo dài mãi mãi, nhưng lại chẳng thể nhận ra không hề có mối liên hệ bền bỉ nào giữa chúng với việc gây dựng gia đình.
 
Thật ra, việc kết hôn đôi khi chắc chắn sẽ đưa chúng ta lên một hành trình nữa khác xa và phức tạp hơn, rất có thể bắt đầu từ một căn nhà ngoại ô, cùng một đám trẻ con nheo nhóc đi theo cả chặng đường dài, chúng có khả năng dập tắt mọi niềm say mê ngay từ trong trứng nước. Nhân tố duy nhất có thể chia sẻ với ta là người bạn đời. Và đó lại có thể là một nhân tố sai lầm ta lựa chọn.
 

Tin tốt là không vấn đề gì cả khi chúng ta phát hiện ra mình chọn sai bạn đời.

 
Chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ anh hay cô ấy, bởi cái quan niệm của phương Tây về hôn nhân: là một chủ thể hoàn hảo tồn tại để đáp ứng mọi nhu cầu và thỏa mãn mọi ước ao trong lòng chúng ta, nó chỉ dựa trên duy nhất một lý tưởng Lãng mạn hình thành trong vòng khoảng 250 năm trước.
 
Chúng ta phải thay thế tư tưởng lãng mạn ấy bằng sự tự ý thức đầy đau khổ (và nhiều khi cũng thật khôi hài) rằng ai cũng có thể làm ta chán nản, tức giận, khó chịu, thất vọng, thậm chí phát điên - và chúng ta (đôi khi chỉ vô tình) cũng sẽ gây cho họ điều tương tự. Không thể triệt tiêu hoàn toàn ý niệm về sự trống trải và bất toàn trong mỗi người.
 
Nhưng những thứ đó là bình thường và không phải là nguyên do để dẫn đến ly dị. Chọn lấy một người để gắn bó chẳng qua chỉ là một tình huống để xác định xem nỗi bất hạnh nào đáng dễ ta chấp nhận hy sinh bản thân vì nó nhất.
 
Triết lý đầy bi quan ấy đưa ra giải pháp cho một loạt những nỗi hoang mang và đau đớn của cuộc sống hôn nhân. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng sự bi quan sẽ xoa dịu áp lực do kì vọng quá đà mà văn hóa lãng mạn đã phủ lên khái niệm hôn nhân. Không nên trách cứ một người bạn đời khi họ không thể cứu chúng ta thoát khỏi nỗi muộn phiền và chán nản, và cũng không lý nào việc đó đáng để khiến hôn nhân đổ vỡ hoặc bị “nâng cấp”.
 
Người phù hợp với chúng ta nhất không phải là người đáp ứng mọi thị hiếu của ta (người như thế không tồn tại), mà là người có thể dung hòa được những khác biệt trong thị hiếu hai bên một cách khéo léo - người có thể kiểm soát những bất đồng. Thay vì ý tưởng hão huyền về một mảnh ghép hoàn hảo, khả năng chịu đựng những khác biệt với tấm lòng bao dung mới chính là dấu hiệu đích thực của một ứng viên “không vượt quá mức sai lầm”. Sự hòa hợp là trái ngọt của yêu thương, chứ không phải điều kiện cho nó.
 
Chủ nghĩa lãng mạn không giúp gì được cho ta cả, nó là một triết lý tàn nhẫn. Nó khiến cho rất nhiều trải nghiệm trong hôn nhân trông có vẻ phi thường và hứa hẹn. Kết quả là ta lại đơn độc rồi đinh ninh rằng cuộc hôn nhân của ta, cùng những khiếm khuyết của nó, là không “ổn”. Chúng ta cần học cách thích nghi với "sự méo mó", không ngừng nỗ lực đặt bản thân vào một vị thế bao dung, lạc quan và nhân hậu hơn để nhìn nhận các hình thái đa dạng của “sự méo mó” hiện diện trong chính chúng ta và trong người bạn đời của chúng ta.

Theo Readstation

Bài khác

Bài viết mới