Bài học khởi nghiệp: Hành trình từ founder đến CEO
Với nhiều nhà khởi nghiệp, hầu như không có sự tách biệt giữa công việc kinh doanh với cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, khi công ty đi đến giai đoạn trưởng thành, họ cần học cách trưởng thành theo nó để thành công.
Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nhân phải từ bỏ quyền kiểm soát mọi việc. Việc này có thể khó chấp nhận đối với các nhà sáng lập (founder), bởi chính nhờ sự kiểm soát sát sao của họ, công ty mới trụ được và vững vàng qua giai đoạn "thiếu niên". Tuy nhiên khi công ty bước vào giai đoạn "trưởng thành", sẽ có rất nhiều công việc quan trọng cần đến những quyết định mang tính định hướng và chiến lược từ người đứng đầu. Nếu cứ mất thời gian vào những công việc tiểu tiết thì nhà sáng lập sẽ không thể "thoát" ra để có những quyết định như vậy. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư thường đề nghị tách bạch hai vị trí này - nhà sáng lập và CEO.
Với kinh nghiệm nhiều năm là một nhà đồng sáng lập trước khi trở thành CEO của Bondetree - công ty chuyên cung cấp ứng dụng tài chính dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, Chris Myers đã rút ra ba bài học cần thiết dành cho các nhà sáng lập nếu họ thực sự muốn trở thành một CEO.
1. Tin tưởng nhân viên
Theo Myers, trong thời gian đầu khởi nghiệp, sự gắn kết mang tính cá nhân giữa nhà sáng lập với công ty sẽ tạo nên sức mạnh to lớn thúc đẩy khả năng phát triển của công ty, nhưng dần dà khi công ty bắt đầu lớn mạnh và khối công việc khổng lồ đè nặng lên vai người đứng đầu thì mối quan hệ đó sẽ trở thành rào cản lớn khi họ phải giao bớt việc cho nhân viên.
Đối với các nhà sáng lập, luôn có sự cám dỗ rất lớn trong việc kiểm soát mọi thứ, từ theo dõi bảng kiểm kê hàng ngày, đọc báo cáo kinh doanh hay thậm chí kiểm tra tính năng mới của sản phẩm. Trong khi đó, một CEO thành công lại chỉ tập trung vào việc xây dựng đội ngũ nhân viên, phát triển khả năng của từng thành viên trong nhóm thay vì cố gắng làm thay công việc của họ.
Nhà sáng lập thường xem nhân viên như những cánh tay hỗ trợ, những người ở đó chỉ đơn giản để thực hiện tầm nhìn mà họ đặt ra. Điều này khác với CEO - những người xem nhân viên như tài sản của công ty mà họ cần nuôi dưỡng, đào tạo và phát huy thế mạnh riêng của mỗi người.
Khi chuyển từ vị trí nhà sáng lập sang CEO cũng là lúc bạn nhận ra mình nên ngừng chú tâm vào sản phẩm do người khác tạo ra mà hãy tập trung vào khả năng làm việc họ.
2. Chịu trách nhiệm
Myers cho biết: "Khi là nhà sáng lập, bạn gần như chẳng chịu trách nhiệm đối với bất kỳ ai. Ngược lại, để trở thành một CEO giỏi, bạn cần hiểu rằng chịu trách nhiệm là một đức tính tốt có thể thúc đẩy khả năng phát triển của công ty".
Một trong những mục đích thành lập hội đồng quản trị cũng nhằm duy trì tinh thần trách nhiệm của những người nắm quyền chủ chốt trong công ty. Nhiệm vụ của họ không hề đơn giản, khi vừa phải tìm cách cân bằng quyền lợi của mọi người dựa trên giá trị hữu hình, vừa phải thấu hiểu (insight) mọi người, vừa phải chịu trách nhiệm với công việc,...
Việc đặt ra những ràng buộc cho bản thân cũng là cách giúp bạn xác định rõ ràng trách nhiệm của mình với nhân viên, nhà đầu tư và hội đồng quản trị.
3. Trở thành nhà lãnh đạo phục vụ
Có rất nhiều nhà sáng lập quan tâm đến công ty chỉ thuần túy về mặt kinh doanh, đặc biệt nếu họ đã đổ nhiều tiền của vào trong đó.
Tuy nhiên, lãnh đạo với đầu tư lại là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Một nhà lãnh đạo mang trong mình tâm lý của nhà đầu tư thường có xu hướng chú trọng đến hiệu quả làm việc và rút tiền về thay vì tiếp tục đầu tư. Điều này dễ khiến họ trở thành nhà lãnh đạo độc tài khắc nghiệt và đặt mục tiêu kinh doanh chính là làm giàu cho bản thân.
Trong khi đó, những CEO chân chính sẽ nhận ra phương pháp lãnh đạo này không đem lại hiệu quả và dễ làm tổn hại công ty. Thay vì nhầm lẫn giữa mục tiêu chung và mục tiêu cá nhân, họ luôn cố gắng tạo ra những lợi ích kinh tế, xã hội cho công ty thông qua việc trở thành nhà lãnh đạo phục vụ. Phong cách lãnh đạo này đảo ngược các khái niệm đặc trưng về quyền lực - thứ giúp một người "đứng trên" nhiều người và kiểm soát họ.
Cụ thể, nhà lãnh đạo phục vụ luôn chia sẻ quyền lực với mọi người và tập trung chú ý vào việc giúp họ gặt hái thành công và cảm thấy hạnh phúc. Để làm được điều đó, nhà lãnh đạo phục vụ dựa vào lòng trung thành thực sự và sự ủng hộ từ những người được họ dẫn dắt nhằm giúp công ty có được thành công lâu dài.
Khi đổi ngược vai trò từ một nhà sáng lập sang một CEO, bạn sẽ rất dễ nhìn thấy những lý do khiến nhiều nhà sáng lập thất bại trong hành trình chuyển giao này. Các nhà đầu tư đã sớm nhận ra điều đó và thường gây áp lực để công ty lựa chọn những CEO dày dạn kinh nghiệm, những người biết cách đào tạo, tin tưởng nhân viên của mình, có tinh thần trách nhiệm trong công việc và áp dụng phương pháp lãnh đạo phục vụ.
Sưu tầm