Bát mì thừa và câu nói của ông cụ khiến người chủ quán hổ thẹn
Sau khi nhận được bát mì thừa từ tay người chủ quán, ông cụ xúc động cảm ơn khiến người chủ quán thấy xấu hổ trước hành động của mình.
Trên đường phố mùa đông năm đó, người ta thấy bóng dáng một ông cụ khoảng 80 tuổi bước từng bước chậm rãi trên đường. Thì ra ông cụ đã đi lạc nhà suốt mấy ngày liền, mọi người quanh đó có lòng tốt muốn đưa cụ về nhà nhưng cụ lại chẳng nhớ đường về nên đành thôi.
Mấy ngày trời không được gì vào bụng, buổi tối hôm đó trời vừa lạnh vừa đói, ông cụ quyết định dừng chân ở một quán mỳ ven đường. Sau khi cầu xin ông chủ quán suốt một tiếng đồng hồ, cuối cùng người chủ quán vì không muốn để khách qua đường nghĩ ông keo kiệt nên đã bảo anh phục vụ mang cho ông cụ bát mì đã vữa của vị khách vội đi chưa kịp ăn lúc nãy.
Ăn hết bát mỳ xong ông cụ cảm động nói:
“Tôi đã già rồi, không còn là tôi của ngày trước nữa. Làm ơn hãy hiểu cho tôi, làm ơn hãy nhẫn nại với tôi.
Khi tôi đã già rồi, cơ thể dần dần lão hóa, làm ơn hãy chìa đôi bàn tay tràn đầy sức sống của cậu ra để cứu giúp tôi.
Cảm ơn cậu đã nhẫn nại chờ tôi ăn hết bát mì mới đem chiếc bát ném đi,
Cảm ơn cậu dù đang bận rộn nhưng cũng dành thời gian quan sát nhìn ra hàm răng móm mém của tôi, còn thiện ý nhắc anh phục vụ làm bát mì chín nhừ cho tôi. Chàng trai tốt, khi cậu đối xử với ai đó như thế nào cậu sẽ nhận lại được những điều tương tự như vậy”.
Nói xong, ông cụ cúi đầu rồi bước tiếp cuộc hành trình về nhà của mình mặc cho những khách qua đường xì xào bàn tán. Lúc này, người chủ quán đứng đờ người ra vì thấy xấu hổ trước hành động của mình.
Lòng tốt có sự lan truyền, lời cảm ân chân thành có thể khiến con người hiểu hơn về giá trị của sự thiện lương, từ đó hiểu rằng cho đi mới được nhận lại.
Sưu tầm