Bí quyết giúp bạn học cái gì cũng nhanh và nhớ dai
Nếu thường bị gọi là chậm tiêu, đọc gì cũng không nhớ thì bạn đừng vội bi quan. Những người học nhanh nhớ tuốt cũng đều có bí quyết cả đấy. Cùng học lỏm các mẹo hay của họ nhé.
1. Viết ra giấy
Bạn nghĩ mình sẽ nhớ hết tất cả những gì người ta nói, thuộc hết các chi tiết mình vừa đọc mà không cần ghi chú, vậy thì bạn hơi "tự tin" đấy vì căn bản là bạn sẽ không nhớ được nhiều đâu. Do đó, hãy viết ra những ý chính và quan trọng, để bạn không phải nghe lại hết đoạn băng ghi âm hay đọc đi đọc lại một nội dung nhiều lần.
Viết ra 1 lần là bạn nhớ được thêm 1 lần, đồng thời nó sẽ giúp bạn hiểu được vấn đề đó, suy nghĩ về những gì bạn viết. Chính những suy nghĩ này mới giúp bạn ghi nhớ dễ dàng và nhớ dai hơn.
2. Kết hợp các ý tưởng
Bạn nên đánh dấu sao, dấu mực đỏ vào những thông tin quan trọng, cần nhớ và khó nhớ. Thông tin này sẽ khắc sâu hơn vào tâm trí bạn. Hoặc bạn có thể tạo ra một mạch truyện theo trình tự thời gian để kết nối các chi tiết trong bài, thậm chí sử dụng các vần đồng âm để dễ nhớ hơn. Càng thực hành nhiều thì bạn càng quen với cách làm này.
Bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp liên tưởng và so sánh giữa người với người, sự vật hiện tượng với sự vật hiện tượng. Nhìn thấy những điểm giống nhau và khác nhau sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ hơn.
3. "Tập gym" cho não
Một cách để rèn luyện não là tự nói chuyện với chính mình, tự đặt các câu hỏi tại sao và tự tìm đáp án. Việc tư duy thường xuyên sẽ giúp não bộ của bạn linh hoạt hơn, khám phá ra nhiều thứ. Hãy dành thời gian rèn luyện các môn học mà mình thích, nó sẽ giúp bạn phát triển trí não tối đa. Một phương pháp khác là dùng thử các nguồn trực tuyến đòi hỏi cải thiện chức năng não (ví dụ các trò chơi vui nhộn).
4. Đọc nhiều
Một người đọc thường xuyên có khả năng học nhanh hơn và dễ dàng hiểu được những tài liệu khó. Lý do là bạn đọc càng nhiều sách thì bạn càng dễ dàng tiếp thu thông tin bằng văn bản. Mẹo ở đây khá đơn giản. Bạn muốn học nhanh hơn? Hãy đọc nhiều hơn.
5. Tìm hiểu cách học phù hợp với bản thân
Một số nội dung chỉ yêu cầu học thuộc, một số khác lại yêu cầu thực hành, trải nghiệm bằng cả thính giác và xúc giác. Do đó hãy chọn phương pháp học tối ưu ưu nhất đối với bài học.
6. Truyền đạt lại thông tin
Bạn học và nắm bắt thông tin tốt nhất khi bạn truyền nó cho một người khác. Đặc biệt nếu bạn làm ngay sau khi học, bạn sẽ hấp thụ được nhiều thông tin hơn. Bạn cũng có thể trao đổi với người khác, mỗi người có một góc nhìn khác nhau sẽ giúp bạn hiểu được thấu suốt vấn đề và nhớ lâu hơn.
Hi vọng 6 mẹo đơn giản trên sẽ giúp bạn không bỏ sót bất kì thông tin hữu ích nào mà mình đã đọc được. Trở thành "người biết tuốt" thật ra cũng có nhiều cái thú vị lắm đấy!
Theo bestie