Các vấn đề thường gặp phải khi nghe tiếng Nhật

Bài viết này sẽ liệt kê một số vấn đề thường gặp của các bạn khi nghe tiếng Nhật rồi từ đó cải thiện kỹ năng nghe của mình nhé.


Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó, dù ngày càng nhiều người yêu thích và theo học tiếng Nhật nhưng không ít những khó khăn khiến các bạn phải đau đầu, ví dụ như chữ Kanji quá khó nhớ, quá nhiều từ vựng và ngữ pháp cần học hay nghe tiếng Nhật quá khó... Bài viết này sẽ liệt kê một số vấn đề thường gặp của các bạn khi nghe tiếng Nhật rồi từ đó cải thiện kỹ năng nghe của mình nhé.
 

Không nhận ra các âm

Tiếng Nhật có một số âm khó mà nhiều người học vẫn hay nhầm lẫn, ví dụ như つ, し, ふ hay hàng らりるれろphát âm chuẩn là “r” hay “l” hay “d” vẫn là câu hỏi gây tranh cãi. Việc đồng âm は và わ, え và へ cũng gây khó khăn cho nhiều bạn mới học khi nghe tiếng Nhật. Thông thường người Nhật thường nói rất nhanh và nói theo ngữ điệu giao tiếp đặc biệt, nên với những bạn chưa nghe quen thì việc không nhận ra các âm hay nhầm lẫn khi âm bị nuốt, âm gió, từ đồng âm khác nghĩa... là việc khá phổ biến.
 

Nghe thiếu tập trung

Với những bạn có độ tập trung không tốt hoặc mới làm quen, chưa có kinh nghiệm, thì việc nghe một cách tập trung sẽ là một vấn đề khó. Nhiều khi rất cố gắng nhưng đầu óc lại dễ bị phân tán, mà như vậy thì việc bỏ lỡ keyword hay nội dung quan trọng là điều không tránh khỏi.
 

Nghe không kịp

Một vấn đề mà hầu như bạn nào học tiếng Nhật cũng đã trải qua đó là việc không nghe kịp theo tốc độ của người nói. Lý do chủ yếu là vì tư duy logic khi nghe của mỗi người, bạn thường sẽ nghe đến đâu dịch luôn những gì mình nghe được đến đó, sau đó mới hiểu, như vậy sẽ khá mất thời gian. Trong thời gian não bộ dịch nghĩa thì người nói đã nói qua rất nhiều điều khác rồi. Chưa kể như đã nói bên trên, tiếng Nhật có một số âm dễ gây nhầm lẫn và họ thường nói rất nhanh, nghe không kịp là điều dễ hiểu.
 

Phản xạ giao tiếp kém

Tại sao nghe lại liên quan đến phản xạ giao tiếp? Giao tiếp hay hội thoại, đều là sự tương tác giữa người nói và người nghe. Nghe hiểu được đối phương nói gì thì mới có thể tiếp chuyện để nói được. Thường người ta sẽ nói rằng muốn giao tiếp tốt cần nghe nói tốt. Trên thực tế, muốn nghe tốt cũng cần phản xạ giao tiếp tốt. Điều này có nghĩa là, khi nghe một câu hỏi, bạn có thể ngay lập tức hình dung trong đầu các câu trả lời có thể xảy ra tiếp theo, từ đó việc nắm bắt được nội dung nghe sẽ đơn giản và dễ dàng hơn. Phản xạ giao tiếp kém sẽ gây nên sự lúng túng, bị động khi nghe, khiến việc nghe đã khó còn khó hơn nhiều lần.
 

Không đủ vốn từ vựng và cấu trúc câu

Lượng kiến thức về từ vựng và ngữ pháp là rất quan trọng đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào. Nếu không có lượng kiến thức căn bản, nền móng đó thì không chỉ việc nghe mà cả việc nói hay viết và đọc của bạn cũng sẽ gặp vấn đề. Vốn từ vựng và cấu trúc câu ít ỏi sẽ chỉ khiến bạn hoang mang khi nghe vì chẳng hiểu họ đang nói cái gì, không nắm bắt được nội dung chính, cũng không thể note/ghi chú những từ hay câu quan trọng cần thiết. Do vậy, việc củng cố và bổ sung kho kiến thức từ vựng, ngữ pháp là vô cùng quan trọng. Bận cần có phương pháp học phù hợp để có thể ghi nhớ và nắm chắc những kiến thức này.
 
Học tiếng Nhật chưa bao giờ là đơn giản cả. Rất nhiều khó khăn, rất nhiều vấn đề mà bạn sẽ phải trải nghiệm và vượt qua. Tuy nhiên, không có con đường nào là trải toàn hoa hồng, muốn hái quả ngọt thì phải chấp nhận thử thách và cố gắng.

Theo Dekiru

Bài khác

Bài viết mới