Cách người Mỹ dạy con tránh bị quấy rối tình dục và những điều cha mẹ Việt phải biết
Quấy rối tình dục đối với trẻ em là một trong những tội kinh tởm nhất, bởi hậu quả của nó để lại đối với nạn nhân về mặt tâm lý và sinh lý đều rất nghiêm trọng.
Mấy ngày nay, trên mạng xôn xao việc một nghệ sỹ Việt bị bắt do bị cáo buộc quấy rối tình dục với trẻ em ở Mỹ. Lúc đầu tôi cũng không quan tâm lắm, nhưng sau khi đọc qua một số bài báo trên mạng và những bình luận của nhiều người, tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên về có khá nhiều người Việt Nam dường như chưa hiểu hết mức độ nghiêm trọng của cái gọi là tội dâm ô với trẻ em.
Theo tôi, đây là một trong những tội kinh tởm nhất và những tội phạm của tội này đáng bị trừng phạt đích đáng vì hậu quả của nó để lại đối với nạn nhân về mặt tâm lý và sinh lý đều rất nghiêm trọng.
Sự thiếu hiểu biết về vấn đề này có thể biến con em bạn trở thành nạn nhân của những con thú mặt người vốn có thể là những ông chú, ông bác hàng xóm thường đến chơi và mua quà bánh cho những đứa trẻ.
Ở các nước tiên tiến, trẻ em được dạy từ bé để bảo vệ bản thân mình để tránh bị xâm hại tình dục, nhưng ở các nước kém phát triển, đây là một điều hầu như không bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc.
Cách pháp luật và cha mẹ Mỹ dạy con cái bảo vệ bản thân
Những ngày đầu mới sang Mỹ, tôi đã bị shock trước phản ứng của một phụ huynh khi tôi nựng cậu con trai ba tuổi của cô ấy. Cô này vốn là phục vụ bàn cho nhà hàng của cô tôi, nói chung là thật thà và thân thiện. Hôm đó, cô bế con trai của mình ra chơi. Theo thói quen ở Việt Nam, tôi đến bẹo má đứa bé và định bế nó lên. Lập tức mẹ của bé kéo con mình lại rất nhanh như một phản xạ rồi đứng chắn ngang tôi và thằng bé.
Vẻ thân thiện hàng ngày biến mất, thay vào đó là một sự khó chịu gần như là hung dữ khiến tôi hết sức bất ngờ. Sau này, tôi mới biết là việc đụng chạm đến con cái mà không được sự cho phép của cha mẹ là một điều cấm kỵ ở Mỹ. Không có chuyện cha mẹ bên Mỹ để con sang nhà hàng xóm chơi cả buổi như ở Việt Nam. Ở ngoài đường nếu có thấy một đứa bé nào dễ thương thì bạn đừng dại rút máy điện thoại ra chụp ảnh vì bạn có thể bị cha mẹ bé báo cảnh sát về tội xâm hại trẻ vị thành niên. Và nếu cảnh sát phát hiện trong máy tính cá nhân của bạn có chứa nhiều hình ảnh trẻ em chụp ở khắp nơi thì tội lại càng nặng.
Các em nhỏ được bố mẹ dạy rất kỹ không được cho người lạ tự tiện nắm tay, bẹo má hay đụng chạm vào thân thể của các em nên đừng thấy trẻ con Tây mắt xanh tóc vàng như thiên thần mà tự nhiên sà vào nựng nịu. Các bé sẽ phản ứng rất mạnh như hét lớn, đẩy bạn ra thậm chí có thể cắn hay đánh nếu bạn có ý cởi quần áo hoặc chạm vào vùng kín của các bé.
Không những ở phạm vi gia đình, luật pháp Mỹ cũng quy định rất rõ ràng về vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm phạm tình dục. Giáo viên nam, trừ giáo viên thể dục, sẽ không được dạy cấp tiểu học hay mẫu giáo vì các bé còn quá bé cần phải có sự chăm sóc của người lớn và cũng chưa có ý thức mình bị xâm hại một cách rõ ràng.
Ở độ tuổi trung học, giáo viên không được gặp và nói chuyện với học sinh ở ngoài trường nếu không có mặt phụ huynh ở đó. Chỉ cần có ai đó phát hiện thấy giáo viên và học sinh tuổi vị thành niên gặp nhau ngoài khuôn viên nhà trường và chụp hình lại thì giáo viên đó chắc chắn sẽ bị đuổi việc và sẽ không được trường nào nhận.
Lúc tôi còn thực tập ở một trường cấp hai ở Mỹ để chuẩn bị tốt nghiệp, có một lần tôi phải nộp một project cho giáo sư bằng cách quay phim lại buổi dạy của tôi lần đó tại lớp. Trước đó, một tuần tôi phải xin giấy phép của trường đại học và giấy phép của trường tôi thực tập để các học sinh lớp tôi mang về cho phụ huynh hoặc người giám hộ ký tên chấp nhận cho các em được quay phim trong buổi học.
Trường hợp nào phụ huynh không chấp nhận thì học sinh đến giờ quay phim sẽ được sắp xếp sang học một lớp khác. Bản thân tôi cũng phải ký cam kết là những đoạn phim quay được trong giờ học chỉ được sử dụng trong mục đích giảng dạy và phải hủy bản gốc sau khi nộp bản sao cho giáo sư của tôi.
Cha mẹ Việt Nam phải làm gì để bảo vệ con cái mình?
Ở Việt Nam, người lớn hầu như không hiểu hết tầm quan trọng của nạn ấu dâm nên hầu như không có cách bảo vệ con cái mình đúng mực. Các cháu nhỏ thường được những người lớn trong xóm bồng bế nựng nịu hôn hít thậm chí vạch quần các bé nghịch vùng kín. Nếu cha mẹ có phản ứng khi người lạ hôn hít con mình thì bị xem là ích kỷ thậm chí là lập dị.
Tôi đã từng thấy một bà mẹ trẻ sau khi nhẹ nhàng nhắc nhở bà hàng xóm đừng đè con mình ra hôn khiến cháu sợ thì người kia tỏ thái độ rất khó chịu trả đứa bé cho người mẹ kèm theo những lời rất khó nghe: “Quý báu quá thì đem về nhà mà giữ, làm gì dữ vậy? Sau này đừng hòng tôi đụng vào con cô” khiến người mẹ khá bối rối.
Chắc chắn các bạn đã làm cha làm mẹ không ít lần đã rơi vào trường hợp khó xử như người mẹ kia. Nhưng các bạn phải hiểu rằng bảo vệ con mình là một điều đúng đắn và bạn phải cương quyết, không có gì cảm thấy ngại hay khó xử cả. Thà mất lòng người khác còn hơn để con mình bị xâm hại.
Nên học người Mỹ trong việc giáo dục con cái mình để tránh bị xâm hại hoặc quấy rối tình dục bằng những việc sau:
1. Dạy các bé về những bộ phận trên cơ thể tuyệt đối không được cho ai đụng vào cũng như dạy bé cách tự tắm rửa và vệ sinh cơ thể hằng ngày khi bé đã có thể tự làm được. Không để cho người lớn (người thân, người giúp việc…) tắm rửa hay làm vệ sinh cho bé khi bé đã có thể tự làm được.
2. Tuyệt đối không để cho các bé đến nhà hàng xóm chơi nếu không có mình đi theo cũng như không giao gửi con mình cho người khác trông hộ ngoài những trường hợp bất khả kháng.
3. Dạy các bé cách phản ứng mạnh và tự vệ khi bị người khác đụng chạm vào cơ thể, ôm ấp hôn hít hay cởi quần áo.
4. Quan sát phản ứng và tâm lý của con mình sau khi đón bé về từ trường hoặc nhà trẻ mỗi ngày. Nếu phát hiện ra điều gì bất thường, phải tìm hiểu cho thật rõ ràng.
5. Nói chuyện với con cái hàng ngày xem con cái bạn thường tiếp xúc với ai và người đó thường làm gì đối với các bé.
6. Đừng tin bất cứ ông chú ông bác hiền hậu tốt bụng yêu trẻ con nào cả. Bên trong vẻ ngoài hiền hậu dễ mến đó có thể là một con quỷ râu xanh chờ cơ hội để hãm hại con bạn.
Theo Huỳnh Chí Viễn / Trí Thức Trẻ