Cha mẹ có là... lá chắn?
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu có bài hát Cho con được nhiều thế hệ yêu thích, trong đó có câu "Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con".
Vậy mà gần đây, người ta cho rằng “che chở” như thế là sai rồi. Họ đang gào lên, cha mẹ Việt (nhất là mẹ) đang “sống thay” con nhiều quá, hãy “thả” chúng ra, đừng úm con nữa. Đừng có che chắn con nữa.
Sai là sai thế nào, cha mẹ chẳng là điểm tựa cho con, hy sinh suốt đời cho con sao? “Chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Thế là cả hai bên đều có lý, thì cãi nhau… đến mai cũng chẳng ra vấn đề.
Bà xã gật gù, thả con ra là thả thế nào? Bắt con đi bộ đến trường giữa đường sá này ư, ô nhiễm khói bụi, trời nắng chang chang đeo trên lưng chiếc ba lô khoảng… hai chục ký ư? Có mà điên.
Đừng có nói Tây họ dạy con tự lập. Học theo Tây có ngày… chết. Là bởi vì, xã hội của Tây họ ổn định. Một đứa trẻ sinh ra đã được nhà nước trợ cấp, đi học là hoàn toàn miễn phí. Khi vào đại học, nếu nghèo, có thể vay mà học. Thế thì con cái có gì mà cha mẹ phải “lá chắn”?
Con cái ra đời, học hành thành đạt, yêu đương, lấy vợ có con, nay chúng ở bang này, mai đã chuyển sang bang khác. Trong các bộ phim Tây, chẳng luôn thấy cảnh này là gì: Bỗng một hôm con dắt cô vợ về thăm cha mẹ, đây là lần đầu tiên cha mẹ biết mặt con dâu. Ồ, vậy không cưới hỏi gì à? Không ra mắt bà con hai bên nội ngoại gì à? Yêu nhau không “xin ý kiến” ai à? Làm cha mẹ thế này “được” con cái tước quyền, tước luôn trách nhiệm phải lo. Làm cha mẹ Tây khỏe quá.
Về già, cha mẹ Tây sống yên tĩnh nơi làng quê hoặc vào “nhà già”, “nhà nurse – y tá” như một dịch vụ xã hội chứ không phải “khiếp đảm” như nhà thương thí. Ở nước ta, nhà dưỡng lão tư nhân, ai có tiền và hiếu đễ, cho cha mẹ nghỉ sống trong các nhà dưỡng lão cao cấp kiểu biệt thự, một tháng vài chục triệu đồng cũng có luôn. Nhưng phải giàu và có hiếu. Hai điều kiện đều “quý hiếm”.
Thế nên, mẹ Việt bây giờ đâu có dại. Đừng tưởng rằng họ không biết cái lý thuyết tự lập kia. Họ dư biết cái cảnh tự lập khốn đốn đó ra sao (đời họ tự lập mà, còn lạ gì, chính họ sống qua, chẳng cần ai dạy). Không cho con đi lại con đường “tự lập đau khổ” của mình làm gì.
Đó, các nhà giáo dục hãy nhớ cho, đối tượng để thuyết phục và phê phán của quý vị toàn là những người từng trải, không phải dạng vừa đâu.
Họ lý sự như vầy: Ừ, tự lập là đúng, cho con cực nhọc là đúng, sau này con… lao động giỏi, thành công nhân, nông dân! Nhưng chúng tôi làm “lá chắn” cho con là để tìm cho con một cơ hội khác. Chúng tôi chở con đi học, đón con, chạy bạc mặt ngoài đường cho con học thêm, biết đánh đàn, biết tiếng Anh, biết thể thao giỏi, biết nghệ thuật. Cố gắng “một phát” du học là đổi đời. Cố gắng cày bừa, cha mẹ ráng sức “bơm tiền cho Obama”. Không phải cứ sang đó là hư hỏng. Chúng tự lập, thuê nhà, nấu ăn, trưởng thành, có tay nghề cao. Chúng trở thành trí thức toàn cầu hóa”.
Đó, thử hỏi giữa người cho con tự lập lăn lộn thành anh công nhân, chị nông dân với trí thức, nhà doanh nhân, kỹ trị, ai hơn ai? Ai kiếm tiền nhiều hơn ai, ai đóng góp cho xã hội và gia đình nhiều hơn ai… Đừng có cãi rằng làm người bình thường cũng sống có ý nghĩa. Đồng ý, nhưng người không bình thường, đóng góp nhiều hơn, ý nghĩa hơn, là sai hay sao?
Vì thế bà xã kết luận rằng chúng tôi – và các bậc cha mẹ – cứ luôn phải là lá chắn. Vì luôn tạo cơ hội đặc biệt cho con đâu có gì sai. Ông nhạc sĩ đúng, còn các nhà giáo dục phê bình họ là nhà giáo dục sai rồi.
Vậy ai có lý thuyết gì hay hơn, đừng moi móc chuyện cá biệt con nhà giàu phá của, không tự lập… này nọ ra nói (ai cũng biết cả rồi) thì hãy đưa ra. Cái gì chẳng có sai số, vậy hãy nói sao để cho nghe được, đánh đổ được “lý thuyết lá chắn”.
DNSG