Chậm lại 3 giây suy nghĩ trước khi hành động, cuộc đời bạn sẽ thay đổi bất ngờ
Trong lời răn Phật giáo, có câu "Hoà nhan ái ngữ". Câu nói này có nghĩa là khi giao tiếp với người khác, hãy nói chuyện với họ bằng gương mặt điềm đạm, hiền hoà và cách nói chuyện nhẹ nhàng.
Ái ngữ là lời nói nhẹ nhàng êm ái, là từ ngữ xuất phát từ yêu thương. Tùy theo cách sử dụng từ ngữ, tâm trạng cũng sẽ bị thay đổi từ tích cực đến tiêu cực. Nếu có thể cố gắng sử dụng từ ngữ cho dễ nghe thì chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên thú vị và phong phú hơn nhiều.
Với bản thân: Sử dụng từ ngữ mang tính tích cực cho chính mình
Một ngày bạn nói chuyện với mọi người khoảng bao lâu? Tùy theo mỗi người mà khoảng thời gian đó cũng khác nhau. Tuy nhiên, bạn có tự nói chuyện với mình nhiều không? Có lẽ không ai để ý tới việc này cả. Nhưng, con người, ngoài giao tiếp với mọi người xung quanh, chúng ta còn tự nói chuyện với bản thân mình.
Tuy rằng chúng ta không nói ra thành tiếng, nhưng mỗi người đều luôn không ngừng suy nghĩ và tự nói với bản thân điều gì đó. Tuy nhiên, có khoảng 70% đến 80% từ ngữ chúng ta tự nói với bản thân là những từ mang tính tiêu cực. Khi mà không thể giải quyết được vấn đề, trong vô thức tự chúng ta khiến bản thân mình thấy nản chí, cản trở việc suy nghĩ tích cực và hướng về phía trước.
Chúng ta có thể quyết định mình sẽ dùng từ ngữ như thế nào với bản thân. Chỉ cần bạn cố tình sử dụng từ ngữ mang tính tích cực là được. Đừng nói, "Chết rồi, rắc rối to rồi. Phiền phức quá", thay vào đó bạn hãy thử tự nói với mình, "Thú vị thật! Như thế này mới khá lên được". Nếu bạn tiếp tục tự nói với mình bằng những từ mang tính tích cực, dần dần trái tim bạn sẽ mạnh mẽ hơn, tâm trí bạn cũng sẽ không dễ dàng bị lung lay nữa. Và, nếu bạn có thể thay đổi được tâm thế của mình, đương nhiên con đường mở ra trước mắt bạn cũng sẽ thay đổi.
Khi thay đổi được bạn sẽ nhận ra mình của trước đây, luôn luôn phàn nàn về cuộc sống. Thì giờ đây, dù tự hỏi bản thân mình điều gì đi chăng nữa thì kết quả cuối cùng mà tôi nhận được đều luôn tươi sáng, và vô cùng thú vị.
Trong lời răn của mình, thiền sư Dogen cũng nói rằng nếu bạn yêu thích sử dụng "ái ngữ" thì "ái ngữ không thể nhìn thấy được cũng sẽ hiển hiện trước mắt bạn". Lời răn này mang ý nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ vô thức sử dụng những từ ngữ êm ái, ngọt ngào, tích cực. Quan trọng là hàng ngày bạn phải cố gắng để ý và làm được điều đó.
Tất nhiên, không nhất thiết là phải tuyệt đối không được than phiền. Thỉnh thoảng cũng có lúc tôi nói ra những từ ngữ tiêu cực. Khi đó, hãy tự thừa nhận và khuyến khích bản thân: "Ôi, lại nói thế rồi. Lần sau không được như thế nữa". Bằng việc tự nhìn nhận lại như vậy nhiều lần, trái tim bạn cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Với mọi người: Không khen trực tiếp, hãy khen thông qua một người khác
Thiền sư Dogen từng nói: "Con người nên biết ái ngữ mang tới năng lượng phục hồi". "Ái ngữ" là những từ ngữ nhẹ nhàng và chất chứa tình cảm trong trái tim. "Năng lượng phục hồi" có nghĩa là nguồn năng lượng lớn mà dường như có thể thay đổi lại toàn bộ thế giới. Nói tóm lại, từ ngữ là thứ có sức ảnh hướng lớn đến như vậy đấy.
Ngoài ra, ông còn nói về ái ngữ như sau: "Khi được khen trực tiếp, gương mặt chúng ta sẽ thể hiện niềm hạnh phúc, tinh thần phấn chấn, vui vẻ. Nhưng khi được nghe ái ngữ dành cho mình thông qua một người khác, có thể nói những từ ngữ ấy sẽ ‘thấu tận tim gan’, không thể nào quên được". Có nghĩa là khi được khen trực tiếp sẽ thấy vui nhưng khi được một người khác nói là bạn đã được khen, ai trong chúng ta cũng sẽ thấy vui hơn nhiều. Thay vì được khen trực tiếp, trái tim bạn sẽ rộn ràng hơn khi được nghe, "Anh A vừa khen bạn đấy".
Cách làm như vậy rất có ích trong giao tiếp giữa một vị lãnh đạo giáo dục cấp quận và giáo viên tại một trường tiểu học. Vì ông thường phải ra ngoài nên không có nhiều cơ hội gặp trực tiếp giáo viên của trường. Cho dù chỉ quan sát công việc thông thường thôi thì gần như ông cũng không có cơ hội nói chuyện với họ. Bởi vậy, ông thường gửi lời nhắn thông qua người quản lý trường chẳng hạn như "Anh A dạo này đã rất là cố gắng đấy nhỉ" hay "Ý tưởng chị B đề xuất vô cùng thú vị".
Cách làm này dường như đã thúc đẩy năng lượng làm việc của đối phương hơn là ông trực tiếp nói với họ. Bởi những lời nói của ông thông qua hiệu trưởng hay người khác khiến cho họ có động lực làm việc hơn. Cho dù nó không đến mức có thể làm thay đổi thế giới thì nó cũng có khả năng "lay chuyển" được vấn đề.
Khi giáo viên hăng hái, phấn chấn, bọn trẻ cũng sẽ hăng hái và phấn chấn theo. Chỉ với một câu nói thôi có thể khiến cho không khí trong trường thay đổi nên ông muốn truyền đạt suy nghĩ của mình một cách thật cẩn thận và trịnh trọng. Truyền đạt thông qua người khác sẽ khiến người được khen ghi nhớ hơn là khen trực tiếp.
Theo Cafebiz