Chuyện ăn ổi ở Bỉ (Belgium Guava)

Hôm bữa Tony lên Bình Phước tiếp xúc một nhà vườn nọ. Chủ vườn là ông Hai Hùng, có mấy trăm hectare trồng cam quýt, bưởi, thanh long, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, đu đủ, ổi, mận, xoài.

Vì trồng theo tiêu chuẩn Global G.A.P. xuất khẩu, nên thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ông kỹ lắm. Canh tác nông sản ở vùng nhiệt đới ẩm ướt như nước mình, sâu bệnh nhiều, nhưng xài thuốc hóa học thì dễ bị tồn dư lượng nếu không kỹ. Tụi Nhật tụi châu Âu nó kiểm mỗi container nhập khẩu, thấy bất cứ hoa quả nào còn tồn dư thuốc BVTV là nó tiêu hủy cả container đó luôn. Ở Việt Nam, nông sản nội địa thì thả lỏng nên muốn xịt cái gì thì xịt, riêng mấy loại xuất khẩu như trà, rau màu trái cây xuất khẩu, thì mới dùng thuốc sinh học dưới áp lực của nhà nhập khẩu nước ngoài. Vì thuốc sinh học hiệu quả chậm, trong khi thuốc hóa học, xịt 1 phát sâu chết rào rào, bà con thích hơn. Nhưng sâu chết rào rào thì mình ăn vô cũng méo mồm méo miệng, tích tụ trong cơ thể và sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, nếu chưa hết thời gian cách ly (PHI) mà đã thu hoạch. Ở nhiều nước, người ta bắt buộc sử dụng thuốc BVTV sinh học trên rau củ quả hay khu vực canh tác có xen lẫn nhà dân, công viên, đường phố... vì an toàn cho con người, không ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ví dụ như thuốc Bt, tức một loại vi khuẩn có lợi có tên là Bacillus thuringiensis, vi khuẩn này phun lên lá, sâu ăn vào và ngưng ăn, 3 ngày sau thì sâu chết vì đói, xác sâu rơi xuống đất làm phân. 90% thuốc trừ sâu sinh học trên thế giới là thuốc Bt, hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường, động vật khác vì Bt chỉ sống trong môi trường kiềm của bụng mọi loại sâu hại. Tony cũng có thuốc này nhen, ai mua thì báo. 
 
Ông Hai Hùng tình cờ biết hãng Phượng Tím, mới nhờ chi cục khuyến nông liên hệ với Tony để đem mấy loại thuốc sinh học xuống thử nghiệm. Mấy thuốc này sản xuất từ Ấn Độ, Tony mua bản quyền về kinh doanh. Bên Ấn Độ hay lắm, hàng năm nó có tổ chức một cái hội chợ công nghệ, ở đó, ngoài hàng hóa, còn có một khu gọi là poster area, để các bạn sinh viên và các nhà khoa học trưng bày ý tưởng. Ví dụ bạn A nghĩ ra sản phẩm thuốc trừ ve chó chiết xuất từ hạt quả na (mãng cầu). Hạt quả na có tác dụng diệt côn trùng, hồi xưa ông bà mình hay giã ra gội đầu trừ chấy (chí). Cái bạn A đó xay hạt na nhuyễn ra, chiết xuất lấy độc tố, cô đặc lại pha vô sữa tắm cho chó mèo. Tụi Tây mê lắm, vì sữa tắm chó mèo hiện nay có chứa Cypermethrin, là chất hóa học, dù tỷ lệ nhỏ nhưng cũng không tốt cho chó mèo của họ. Chó mèo của họ sang lắm, có cả passport để đi du lịch nước ngoài. Mọi sản phẩm cho bản thân họ dùng và cho chó mèo của họ đều phải là sản phẩm hữu cơ và an toàn. Bạn A sẽ viết tóm tắt ý tưởng này trên 1 cái poster, treo ở hội chợ. Trung tâm nghiên cứu của các hãng mò đến, tới khu treo poster coi, thấy khả thi sẽ ký hợp đồng tài trợ, ví dụ đưa bạn A 50,000 USD để nghiên cứu tiếp. Khi ra thành công thức và đưa vào sản xuất hàng loạt, bạn A đó sẽ được trả tiền bản quyền, ví dụ 1 triệu USD, và cái hãng kia được độc quyền công thức đó trong 20 năm. 20 năm sau thì hết bản quyền gọi hết patent, cái hoạt chất đó sẽ trở thành trí tuệ nhân loại, ai sản xuất cũng được. Lúc này tụi Trung Quốc sẽ sang mua công nghệ sản xuất mấy hoạt chất này, sản xuất với giá rất rẻ, nhưng sản phẩm made in China này sẽ gọi là me-too product, hay generics (sản phẩm đại trà thông dụng nhái, nhưng hợp pháp chứ không phải là ăn cắp bản quyền). 
 
Tony cũng mò qua Ấn Độ, tham dự hội chợ công nghệ sinh học Bangalore. Chu cha nó lớn hết biết ( nó ở đây là cái hội chợ). Sinh viên bên Ấn nhiều đứa đã là triệu phú từ lúc ngồi trên ghế nhà trường với các công trình khoa học. Đây là cái hay của bạn mà chúng ta cần bắt chước để khuyến khích sinh viên kỹ thuật. Tony vô gặp con bé kia tên là Gargi. Gargi đang theo học trường nông lâm súc Hyderabad, đen thui, tiếng Anh dân kỹ thuật lụp bụp, Tony nói chuyện mà mướt mồ hôi vì toàn động từ “to quơ”. Nghe Tony học Harvard về, Gargi bèn sanh lòng yêu mến, cố gắng nói giọng Mỹ để Tony có thể nghe được, kiểu water đọc thành quo-đờ. Tony thấy Gargi có bản quyền thuốc BVTV chiết xuất từ lá ổi, là sản phẩm kép, vừa trừ sâu vừa trừ bệnh. Tony thấy hay quá. Gargi nói thôi tao để cho mày giá rẻ, nước tao trồng ổi không nhiều, mày thấy hay thì tao để mày tượng trưng 1 USD coi như làm kỷ niệm. Cái Tony ký hợp đồng mua bản quyền mà nheo mắt nó 1 cái, nó hồn xiêu phách lạc. Nó nói tao đang thấy chán vì trong ngành ai cũng cao to đen hôi, thì bỗng dưng một ngày tạo hóa lại ban cho một con người đẹp lồng lộng như thế này. Nó chỉ cứ tưởng ở Holywood hay Bolywood mới có. 
 
Cái Tony mang về Việt Nam,tổ chức thu mua lá ổi tươi chiết xuất ra thuốc Guava 007. Bán đắt như tôm tươi. Sâu chết rào rào. Bệnh đạo ôn phấn trắng sương mai gì cũng hết. Lại không có mùi hôi, nên công viên, khuôn viên trường học bệnh viện đường phố gì cũng đặt mua. Sản xuất không kịp thở. Sản phẩm Guava 007 thoang thoảng mùi hoa ổi, nên một số người lấy xịt vào người đi ăn tiệc thay thế nước hoa, ai cũng khen mùi độc đáo, sang trọng. Ngồi bên cạnh đứa xịt nước thuốc trừ sâu này, nước bọt ai cũng trào ra vì thèm ổi. Các nhân viên bán hàng của hãng Phượng Tím nói tui em đi đại lý nào cũng bị bắt ở lại chơi, ôm tụi em ngửi miết. Ai cũng khen ông chủ hãng đẹp trai thanh tú, bà con nông dân thì cứ nhìn hình Tony in trên chai thuốc rồi cười. Thế mới biết, có lợi thế ngoại hình thì làm cái gì cũng thuận lợi hanh thông.
 
(thôi bữa sau kể tiếp, về nhà thay đồ đi Bỉ đây)

Theo TnBS

Bài khác

Bài viết mới