Chuyện ngoan chuyện hỗn

Ngại ngùng, cả nể, xấu hổ, đóng cửa dạy bảo nhau, sĩ diện, nói dối, làm mặt làm mày, tốt khoe xấu che, ngoan ngoãn, hỗn hào,…là những khái niệm không phù hợp trong thời đại mới, thời đại thế giới phẳng và trái đất là mái nhà chung như thế này.


Chị Phương là chị họ của Tony, con cô Sáu Bình. Chị Phương học ĐH ngoại ngữ, làm hướng dẫn viên du lịch rồi lấy anh Paul người Mỹ. Nhà chị ở cách Los Angeles 1h đi xe, mỗi lần Tony đi Mỹ đều ghé thăm nhà chị.
 
Chị Phương có 2 đứa con trai, Timo năm nay học lớp 6 và James, lớp 2. Cô Sáu vốn là một cô giáo dạy Anh văn cấp 2 ở Việt Nam, khi nghỉ hưu thì qua đây sống cùng với con gái. Trong nhà, mọi người vẫn nói với nhau bằng tiếng Việt vì anh Paul khuyến khích việc này. Có lần, nhân dịp bà ngoại (tức cô Sáu) đưa James đi chơi với bạn, ở nhà chỉ có chị Phương, Timo và Tony. Ngồi tâm sự, Timo nói là nó ghét nhất là bà ngoại, nhưng chị Phương, vốn là một “a shouting mom”, tức một bà mẹ hay la mắng, bảo không được nói điều này khi có mặt bà. Tony mới hỏi đâu con kể ra cho cậu nghe đi.
 
Nó được bật đèn xanh nên ngồi kể. Nó nói bà ngoại kỳ cục lắm. Cứ đi học về, câu đầu tiên bà sẽ hỏi là “Timo, con ăn gì chưa?”, và câu thứ hai là “hôm nay đi học có ngoan không”. Nó hỏi “ngoan” là gì, nó hỏi nhưng mẹ nó nói không biết, bảo con hỏi cậu Tony ấy, cậu ấy giỏi tiếng Anh hơn.
 
Tony ngồi suy nghĩ mất mấy phút, “ngoan” trong tiếng Anh tiếng Pháp hầu như không có. Dùng “nice, good” cũng không đúng, mà “kind, lovely...” gì cũng sai. Mấy từ như “docile, sage”…thì ít phổ biến. Vật vã mãi Tony mới dịch sát nhất “ngoan” là “obedient” nghĩa là “biết vâng lời, nghe lời, tuân lệnh, tuân theo”. Tony bảo văn hóa châu Á, người nhỏ phải “ngoan” với người lớn. Người lớn mặc định trẻ con là suy nghĩ chưa trưởng thành, nên cần phải được người lớn hướng dẫn, và tuân theo. Timo nó ngạc nhiên lắm, nó bảo, vậy Timo không ngoan được rồi, vì nó chỉ “obey” mấy cái “rules and regulations” các quy tắc, quy định... “Age just a number”, tuổi tác chỉ là con số. Nó còn bảo “nếu mình ngoan với người lớn, mà người lớn sai thì sao”.
 
Lúc này thì Tony cứng họng. Chị Phương đang nấu ăn dưới bếp, loáng thoáng nghe câu chuyện, thì quát tháo lên: Timo, con không được hỗn. Timo hỏi, uncle Tony ơi, “hỗn” là gì? Vì sao mình đưa quan điểm của mình trái với người lớn thì bị xem là “hỗn”? Tony bắt đầu thẩu thẩng quay thung (nhức đầu đau bụng). Chị Phương còn nói “cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”. Tony bèn dịch “Fish must be marinated with salts, otherwise it will be damaged. You must obey your parents’s, if not, 100% you’re wrong”. Timo nó bảo nếu cá bỏ vô tủ đông tủ đá thì cũng đâu có ươn, câu này ngày xưa rồi, khi loài người chưa phát minh ra tủ lạnh.
 
Timo nói ra đường, mình phải tuân theo luật giao thông, traffic laws, đèn đỏ đứng lại, đèn xanh thì đi. Ở trường, có nội quy, internal rules, ví dụ thứ hai mặc đồng phục, rác phải được bỏ vô chỗ nào, phải xếp hàng ở căng tin, mấy giờ học, mấy giờ nghỉ trưa, mấy giờ đóng cửa trường, mình đến trễ thì không vô được phải chấp nhận không năn nỉ không xin xỏ. Như ở nhà, ba nó (anh Paul) quy định không được mang dép trong nhà đi ra vườn và ngược lại, cũng không được vừa ăn vừa xem tivi, tắm xong phải lau khô sàn nhà tắm, đi ị xong phải lau khô bồn cầu và đóng nắp lại, đi ra ngoài phải tắt hết đèn, điều hòa...trong phòng. Nó đã cam kết làm theo vì “vẫn ở trong nhà này”. Nếu nó có nhà riêng sẽ tự đưa ra quy định khác vì nó “không thích xếp chăn (mền) sau khi ngủ dậy”. Tony nói là cậu công nhận những điều con nói là đúng, nhưng bà ngoại là người châu Á, văn hóa nó khác, con không thương bà. Timo nói nó vẫn rất thương và kính trọng bà, vì thấy bà hay ngồi nhớ nhà, mở phim với âm lượng khá to mà không hỏi ý kiến nó có đồng ý không. Nó không khoái nghe nhưng không phản đối, vì nó có phòng riêng, có thể vào đó trốn ồn. Nó kể bà hay ép nó và em James ăn những món không ưa thích. Nó luôn phản đối vì “mouth and stomach are mine”, miệng và bụng là của nó, nó có quyền ăn hay không ăn. Mỗi khi bị ép, nó nói “bà ơi, ăn uống là nhu cầu”. Nhưng bà không chịu, nói “hãy ăn để bà vui lòng”. Nó phải nhiều lần hy sinh (sacrifice) bản thân mình vì người khác vui lòng, thật lạ. Muốn LÒNG mình VUI thì tự tìm niềm vui chứ sao ép người khác. Tony nghe nó dùng từ “sacrifice” mà cười muốn chết.
 
Nhưng cũng ngồi ngẫm nghĩ lại. Thế hệ trẻ sẽ rất khác, vô cùng khác. Internet, mạng xã hội, ngoại ngữ, du lịch, phim ảnh….sẽ khiến tư tưởng trọng tự do cá nhân của phương Tây tác động đến giới trẻ châu Á, không xã hội nào có thể tránh được làn sóng này. Nếu chúng ta không biết hoặc khăng khăng tư duy nhận thức cũ, thì vô tình sẽ tạo ra bức tường ngăn cách nhau. Cấp dưới cứ sợ, ngại, không dám nói cấp trên. Học sinh không dám trái ý thầy cô giáo. Con cái không dám trái ý cha mẹ ông bà. Bọn trẻ vâng lời nhưng trong lòng ấm ức, không nói chuyện với mình nữa. Chúng sẽ hạn chế gần gũi cha mẹ ông bà thầy cô, bắt đầu từ lứa tuổi cấp 2. Nhưng ở phương Tây không thấy có chuyện đó, con cái có thể tâm sự với cha mẹ như 2 người bạn, kể cả chuyện thủ dâm và bao cao su, còn nếu ở châu Á, nói những chữ “nhạy cảm” trên sẽ bị “tao cạo trọc đầu mày” vì “đồ mới nứt mắt mà đã hư hỏng”. Chưa kể là cấp trên, thầy cô giáo, ông bà cha mẹ…có chắc chắn là luôn đúng đâu, sự hạn chế về tầm nhìn và chậm chạp trong nắm bắt công nghệ mới…làm cản trở cho tụi nhỏ phát triển, Ở châu Á nói chung, ít ai học đúng nghề sở trường và làm đúng chuyên môn đào tạo. Cho nên, tư duy cái gì đúng, cái gì sai…(what’s right, what’s wrong) phải được áp dụng, vì xưa nay chúng ta quen “ai đúng, ai sai” (who’s right, who’s wrong), áp đặt gia trưởng dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong lòng người châu Á đời đời kiếp kiếp không hóa giải được. Ngại ngùng, cả nể, xấu hổ, đóng cửa dạy bảo nhau, sĩ diện, nói dối, làm mặt làm mày, tốt khoe xấu che, ngoan ngoãn, hỗn hào,…là những khái niệm không phù hợp trong thời đại mới, thời đại thế giới phẳng và trái đất là mái nhà chung như thế này (hết tập 1).

Theo TNBS

Bài khác

Bài viết mới