Chuyện ở Ceylon
Tony đến thủ đô Colombo của Sri lanka vào một ngày nắng đẹp. Đảo quốc nhỏ, đẹp bình yên như hình bản đồ là một giọt nước trên Ấn Độ Dương.
Đường bay từ Việt Nam đi Sri Lanka có thể qua ngõ Băng Cốc, Singapore hay Kuala Lumpur, Air Asia hay Thai Airways có giá khá mềm. Visa xin rất dễ, có thể xin ở đại sứ quán hay vào visa online Sri Lanka để nộp tiền qua thẻ tín dụng, nhận được approval letter và mình in ra, đến sân bay Colombo cho hải quan họ đóng dấu vô, gọi là visa on arrival hay landing visa cũng được. Chỉ mất vài tiếng là chúng ta đặt chân đến vùng đất đẹp lạ đẹp kỳ này
Sri Lanka trước đây gọi là xứ Tích Lan, hay Ceylon. Ngoài thủ đô Colombo, chúng ta nên đi xem người Srilanka câu cá, gọi là stilt fishing. Họ đóng mấy cây cọc tuốt ngoài biển, rồi ngồi vắt vẻo trên đó câu. Tony cũng được bạn đưa tới thành phố Matara để trèo lên ngồi, cười như Liên Xô được mùa để chụp hình, nhưng không câu được con cá nào. Vì chóng mặt quá, thấy sóng biển cứ đánh vô bờ, mình có cảm giác là càng trôi ra biển nên một lúc là khóc lóc vang dội, đòi bạn bế xuống.
Chúng ta còn có thể lên thăm cao nguyên, vùng trồng chè nổi tiếng ở đây. Với độ cao trung bình 1800m so với Đà Lạt là 1500m, cao nguyên của Sri Lanka có khí hậu lạnh hơn, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 12-15 độ, ban ngày cao nhất 23 độ C. Con đường lên thành phố này uốn lượn qua mấy đồi chè bạt ngàn. Ông vua trà thế giới, ngài Thomas Lipton, với việc lấy tên của mình gắn với thương hiệu trà Lipton nổi tiếng, cũng từng đến đây là lập đồn điền, sản xuất trà đen, tra vàng, trà xanh...cung cấp cho toàn bộ hoàng gia Anh và các hoàng gia châu Âu khác. Tony mò mẫm tìm hiểu trà Dilmah, vì đây là thương hiệu lớn của Srilanka, hy vọng là hướng dẫn các bạn trẻ ở các vùng trà Việt Nam như Thái Nguyên, Bảo Lộc...học hỏi bắt chước mà sau này vươn ra tầm thế giới. Nên mới ngồi ê mông mấy tiếng bay qua. Uống thôi là uống, sáng trà tối trà nên hẻm ngủ nghê gì được. Hỏi thăm phỏng vấn năn nỉ đủ cả, cuối cùng cũng giật được bí kíp mang về. Đang tìm kiếm bạn trẻ VN nào đam mê đến mức sống chết với ngành trà để trao lại chứ Tony chỉ yêu thích phân bón. (Nói giỡn chứ Tony qua đó bán phân bán thuốc, tháng nào cũng cả chục container mấy loại phân bón và thuốc trừ bọ trĩ hại trà. Vì mấy dòng phân thuốc này là thuốc sinh học chiết xuất từ hạt quả na nên không độc, đạt Global GAP nên họ mới xài. Nông dân trồng trà Việt Nam thì chê, nói hiệu lực diệt chậm quá, họ muốn thuốc gì xịt cái sâu bọ chết liền mà Tony thì hẻm có loại có tính độc cao ấy nên trong nước bán hẻm được nhiều, trừ một số nông trường trà buộc phải mua để không có dư lượng mới xuất khẩu được. Khổ quá, Tony phải lăn lê sang tận xứ người bán).
Người sáng lập trà Dilmah là ông Merill Fernando. Sinh năm 1930, lúc 20 tuổi, Fernando xác định sứ mạng cuộc đời mình là ngành trà. Nên ông cống hiến hết sức lực để ngày đêm nghiên cứu nó, theo khẩu vị của các nước nhập khẩu. Ông đi lang thang khắp nơi để xem người ta chế biến, uống trà ra sao, giống trà gì...từ đó ông về Sri Lanka trồng cho đúng, sản xuất cho đúng gu của người ta. Ròng rã gần 40 năm, tức năm 1988, ông lập hãng trà Dilmah, lấy chữ đầu tên của 2 thằng con trai, thằng Dilhan và thằng Malik.
(thui bùn ngủ òi, sáng mai nếu dậy sớm mà hẻm đau lưng sẽ kể tiếp).
Bài học tượng tự của Tony
- Chuyện ở Thượng Hải
- Chuyện ở Trung Đông
- Chuyện ở Mumbai
- Chuyện ở Thẩm Quyến
- Chuyện ở West Point
- Chuyện ở Trung Đông
- Chuyện ở Mumbai
- Chuyện ở Thẩm Quyến
- Chuyện ở West Point
Theo TnBS