Con ước làm một chiếc điện thoại - Bài văn của em bé lớp 1 khiến bạn phải giật mình
“Con ước được làm một chiếc điện thoại di động” – Bài văn làm rúng động mạng xã hội trong thời gian qua thật sự đã làm chúng ta phải giật mình bởi suy nghĩ của một em bé lớp 1.
Nếu được hỏi về những ký ức tuổi thơ thì hình ảnh gia đình nào sẽ hiện lên đầu tiên trong tâm trí của bạn? Tôi thì nhớ như in những lúc đi ăn phở cùng ba, những ngày mà mẹ kèm cặp tôi cầm viết. Chắc hẳn bạn cũng đã trải qua những điều đó giống như tôi, vì thời đại của chúng ta là như thế.
Nhưng đối với cậu bé này thì hoàn toàn khác. Cậu sống trong thời đại mà công nghệ ùa vào như vũ bão. Cuộc sống của cậu bị lấp đầy bởi những món đồ mà người lớn suốt ngày lướt qua, kéo lại. Bạn có biết ký ức của cậu ấy là gì không? Bạn sẽ bất ngờ và suy ngẫm điều đó rất nhiều qua câu chuyện này.
Sau bữa tối, một cô giáo tiểu học bắt đầu chấm bài cho học sinh. Chồng cô ngồi bên cạnh, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, cố gắng phá vỡ kỷ lục trò Candy Crush Saga anh đã dày công nghiên cứu cả tháng trời. Bỗng nhiên, bầu không khí yên lặng bị phá vỡ bởi tiếng sụt sịt của người vợ. Thấy mắt cô đang rơm rớm, anh vội quay sang vợ hỏi nhỏ:
“Này em, sao tự dưng lại khóc? Có chuyện gì à?”
Người vợ thổn thức trong nước mắt: “Hôm qua em giao bài tập làm văn cho tụi nhỏ lớp 1, viết về chủ đề “Điều ước của con”... ”
“Anh hiểu rồi, nhưng vì sao em khóc?” – Người chồng tiếp tục gặng hỏi trong khi mắt vẫn không rời khỏi trò chơi đang đến hồi gay cấn.
“Bài văn cuối cùng này đã làm em khóc”.
Không giấu nổi sự tò mò, anh chồng bèn ngẩng mặt lên hỏi đầy ái ngại: “Bài văn của một đứa trẻ con cũng khiến em khóc được sao?”
“Anh nghe này…” – Người vợ chậm rãi đọc, nước mắt vẫn không ngừng rơi.
“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.
Sững lại vài giây khi nghe xong bài văn, người chồng rụt rè hỏi vợ:
“Trò nào viết bài này vậy em?”
Ngước cặp mắt dâng đầy nước lên nhìn chồng, cô nghẹn ngào:
“Con trai của chúng ta”.
Bạn có giật mình khi đọc xong câu chuyện?
Tôi nghĩ, bạn cũng sẽ giống như tôi, bạn cũng sẽ ngỡ ngàng vì suy nghĩ của cậu bé về tình thương và những vật dụng công nghệ. Cậu bé này chính là một tượng trưng cho một con người cần được quan tâm và yêu thương. Mục đích đầu tiên để con người tạo ra điện thoại là để cuộc sống này tiện lợi hơn. Nhưng cuối cùng, nếu không biết sử dụng, nó lại trở thành kẻ xấu khiến chúng ta dần phụ phuộc và quên đi những con người xung quanh mình.
Cho đến lúc này, tôi nghĩ nếu bạn muốn thì chưa có gì là quá muộn. Có lẽ, chúng ta nên tiết chế lại khoảng thời gian dành cho những chiếc di động thông minh, internet hay trò chuyện trực tuyến để đối mặt với hiện thực. Và chỉ sử dụng chúng vì lợi ích tích cực chứ không phải lâm vào tiêu cực.
Thay vì dành quá nhiều thời gian cho công nghệ thì bạn nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, vì gia đình là nơi yêu thương, là nơi có thể làm cái việc mà chiếc điện thoại không làm được chính là chăm sóc. Gia đình còn là nơi có cha, có mẹ, có anh, có chị, và có con... Thử hỏi bản thân xem. Sống trong thời buổi này, có bao giờ bạn quên kể thêm nhiều chuyện với họ chỉ vì suốt ngày chăm chú vào chiếc điện thoại?
Mỗi người chỉ sống có một lần. Con người được tạo ra là để yêu thương nhau. Công nghệ tạo ra là để phục vụ con người. Đừng để con người đánh mất nhau chỉ vì những món đồ tuy được gọi là thông minh nhưng vô tri, vô giác các bạn nhé! Nhớ là đừng yêu chiếc điện thoại hơn cả một con người.
Theo depplus