Cuộc đời ngắn lắm, hãy cứ mơ lớn làm to đi
Con người thường có xu hướng tìm những con đường dễ đi và cảm thấy hài lòng với một danh sách dài những mục tiêu nhỏ mà ta không thể hoàn thành tất cả. Tuy nhiên, cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn dành thời gian theo đuổi những thứ nhỏ bé và tầm thường.
Rất nhiều người cho rằng trí thông minh (IQ) là yếu tố quan trọng quyết định một người có thể trở nên thành công hay không. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại.
Nghiên cứu kéo dài 30 năm trên 1.000 trẻ em đã phát hiện ra rằng kiểm soát nhận thức mới là yếu tố tiên quyết của thành công. Khả năng kiểm soát nhận thức tốt có nghĩa là bạn có khả năng kìm hãm mong muốn nhất thời để đạt mục tiêu dài hạn và duy trì sự tập trung cao độ.
Đồng thời nghiên cứu này cũng cho thấy, hầu hết những người thành công đều không thông minh hơn chúng ta. Họ chỉ thiết lập mục tiêu tốt hơn chúng ta và nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu đó.
Dưới đây là 4 giai đoạn quan trọng để bạn thiết lập mục tiêu như những người thành công.
Giai đoạn 1: Đừng thiết lập mục tiêu nhỏ, hãy thiết lập mục tiêu dài hạn
Trong cuộc sống, chúng ta thường thiết lập những mục tiêu nhỏ như: đi du lịch châu Á, học trượt tuyết, tìm một công việc mới… Chúng ta thường có xu hướng tìm những con đường dễ đi và cảm thấy hài lòng với một danh sách dài những mục tiêu nhỏ mà ta không thể hoàn thành tất cả.
Tuy nhiên, cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn dành thời gian theo đuổi những thứ nhỏ bé và tầm thường. Bởi mục tiêu nhỏ sẽ chẳng thể mang lại cho bạn thành quả lớn được. Thay vào đó, người thành công thường bắt đầu bằng các mục tiêu lớn và từng bước thực hiện mục tiêu đó.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vậy mục tiêu dài hạn có gì khác với ước mơ? Có một sự khác biệt rất lớn ở đây. Nếu bạn nói “Một ngày nào đó, tôi sẽ trở một chuyên gia nghiên cứu về trí thông minh và có thể sẽ tìm ra phương pháp chữa các loại bệnh nguy hiểm” thì đây chỉ là một ước mơ chưa có cơ sở vững chắc.
Ngược lại, nếu bạn nói: “Đến năm 2020, tôi sẽ có bằng thạc sỹ về Thần kinh học tại Đại học Johns Hopkins và tôi sẽ tìm một công việc nghiên cứu trí thông minh” thì đây mới là mục tiêu rõ ràng để bạn định hình và theo đuổi.
Giai đoạn 2: Chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn
Trong khi mục tiêu dài hạn giúp bạn tập trung và luôn nhất quán thì các mục tiêu ngắn hạn sẽ tiếp thêm cho bạn động lực. Vì thế, sau khi thiết lập mục tiêu dài hạn, bạn hãy chia nhỏ chúng ra thành các mục tiêu ngắn hạn và thực hiện từng bước một để trải nghiệm những “thành công nhỏ” trên cả chặng đường.
Chẳng hạn, mục tiêu dài hạn của bạn là mở một chuỗi nhà hàng cung cấp chỗ nghỉ ngơi và bữa sáng trên bãi biển cho khách du lịch. Việc đầu tiên bạn cần làm là mở cửa hàng ở một khu vực nhất định trong vòng 5 năm đầu. Nếu không chia nhỏ mục tiêu dài hạn, bạn sẽ rất dễ bị choáng ngợp và áp lực bởi chưa thực hiện được nó.
Giai đoạn 3: Kiểm tra xem mục tiêu đã đủ SMART chưa?
Khi thiết lập mục tiêu, dù ngắn hạn hay dài hạn, bạn đều phải sử dụng mô hình SMART để xem mục tiêu của mình đã đáp ứng đủ yêu cầu chưa?
Specific (Cụ thể): Mục tiêu của bạn đã cụ thể để có thể đạt được hay chưa? Chẳng hạn nếu bạn nói: “Tôi muốn được nổi tiếng” thì đây không phải là một mục tiêu cụ thể. Nhưng nếu bạn nói: “Tôi muốn trở thành một YouTuber nổi tiếng” thì đây là mục tiêu đã được cụ thể hóa, nó sẽ giúp bạn xác định hướng phải đi, chẳng hạn như bạn sẽ phải học về kỹ năng chỉnh sửa video để trở thành YouTuber nổi tiếng.
Measurable (Có thể đo lường): Dù bạn thiết lập mục tiêu lớn thế nào đi chăng nữa, bạn cũng cần đo lường được nó. Chẳng hạn, nếu bạn muốn trở thành một YouTuber nổi tiếng, hãy lập mục tiêu đạt 1 triệu người theo dõi, khi đó bạn sẽ biết được con số chính xác mình cần phải theo đuổi.
Attainable (Khả năng đạt được): Bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu theo đuổi những thứ không thể. Một mục tiêu có thể đạt được là mục tiêu phù hợp với khả năng và nguồn lực của bạn. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là trở thành một YouTuber nổi tiếng với 1 triệu người theo dõi, nhưng bạn chưa bao giờ làm một video nào thì liệu mục tiêu này có thể đạt được hay không?
Relevant (Liên quan): Khi đặt mục tiêu, bạn hãy tự hỏi bản thân xem liệu mục tiêu có phù hộ với cuộc sống của bạn hay không? Bạn có phải hi sinh những thứ khác để đạt mục tiêu không? Chẳng hạn, để thu hút 1 triệu người theo dõi trên YouTube, bạn phải dành 10 tiếng mỗi ngày để chỉnh sửa video. Liệu việc này có ảnh hưởng đến thời gian bạn dành cho công việc và các mối quan hệ khác trong cuộc sống không? Nếu bạn không sẵn sàng để hi sinh thì đó là mục tiêu không liên quan.
Time-based ( Thời gian): Dù là mục tiêu gì, bạn cũng cần đặt ra thời hạn cụ thể cho mình. Bạn cũng nên lập kế hoạch cho các cột mốc và thời gian dự kiến đạt được mục tiêu. Chẳng hạn, nếu bạn đặt mục tiêu có 1 triệu người theo dõi trên YouTube trong vòng 1 năm, bạn có thể chia mục tiêu nhỏ hơn là đạt 300.000 người theo dõi trong 3 tháng đầu, sau đó hãy duy trì tiến độ này.
Giai đoạn 4: Đánh giá và điều chỉnh mục tiêu
Thành công là một quá trình đòi hỏi bạn phải đánh giá và điều chỉnh mục tiêu liên tục. Không có mục tiêu nào hoàn chỉnh ngay từ lần đầu tiên, vì thế điều quan trọng là bạn phải linh hoạt và kiên trì với mục tiêu của mình.
Theo Cafebiz