Đặc điểm chung của những người hay sử dụng cụm từ: Sao cũng được

Đặc điểm chung của những người hay sử dụng cụm từ: Sao cũng được

Trở thành câu cửa miệng của nhiều người, "sao cũng được" bộc lộ thói quen lười suy nghĩ và dễ gây chán ghét. Dù hàm ý nghĩa tiêu cực, nhưng thực ra có rất nhiều nguyên nhân đằng sau câu nói ấy.


Chẳng hạn, hai người đi ăn tối, khi hỏi đối phương thích ăn gì, bạn liền nhận được câu trả lời "Sao cũng được". Có thật là món nào cũng như nhau? Nếu là nạn nhân thường xuyên của câu trả lời này, hẳn bạn sẽ thấy ức chế và trách móc: "Ít nhất cũng phải có một lựa chọn chứ". Rồi bạn sẽ dần xa lánh những người hay hời hợt với tất cả mọi thứ. Vậy tại sao chúng ta lại có thói quen dùng cụm từ này?
 

1. Bị cuộc sống bức đến mức "sao cũng được"

 
Hoàn cảnh tạo nên con người, rất nhiều người ban đầu cũng có lựa chọn của riêng mình, nhưng ý kiến của họ thường bị người khác gạt đi. Về sau, họ phát hiện rằng dù có đưa ra lựa chọn thì cũng chẳng có tác dụng gì, thế là họ bỏ qua cái quyền suy nghĩ, bỏ cả quyền lựa chọn và luôn rơi vào trạng thái bị động.
 
Trở lại ví dụ trên, khi bạn nói: "Ăn gì cũng được", người khác sẽ gọi món và bạn phải chấp nhận một cách bị động. Nếu không thích, bất quá bạn có thể ăn ít hoặc không ăn. Nghĩa là bạn có thể tiếp nhận hay không tiếp nhận lựa chọn của người khác dành cho mình. Về lâu dài, sẽ chẳng ai kể cả người thân thiết biết bạn cần gì, muốn gì. Bạn dễ rơi vào tình trạng bị bỏ qua, thậm chí bị xem thường. 
 

2. Trốn tránh kết quả

 
Đối với một sự việc chưa rõ kết quả, nhiều người dễ nảy sinh sợ hãi, trốn tránh và "sao cũng được" trở thành lời thoái thác tốt nhất. Chẳng hạn, một số người trong thâm tâm cũng khao khát có một cuộc hôn nhân viên mãn, nhưng họ luôn hoài nghi chẳng biết mình có thể sống hạnh phúc hay không. Chính nỗi lo sợ mơ hồ này mà họ tỏ ra bất cần hôn nhân. Tuy nhiên, nếu không dám đối mặt với thử thách, sớm muộn họ cũng rơi vào tình trạng quá lứa lỡ thì. 
 

3. Vô cảm

 
Một số người luôn nhìn cuộc sống xung quanh với thái độ "không liên quan đến tôi". Có thể vì họ không hài lòng với cuộc sống nên dần trở nên vô cảm với bản thân. Khi không còn thiết tha với chính mình nữa, họ cũng bàng quan với người xung quanh và cụm từ "sao cũng được" sẽ xuất hiện thường trực. Chúng ta thường nói rằng: Giao tiếp mang tính hai chiều, bạn bỏ ra ít thì nhận lại chắc chắn cũng ít. Vì vậy, khi bạn hời hợt, vô cảm với người khác thì điều nhận về cũng là sự hời hợt và lãnh đạm. 
 

4. Không có chủ kiến

 
Không có chủ kiến cũng đồng nghĩa như không có cái tôi. Trong cuộc sống, khi luôn có người khác giúp bạn sắp xếp, an bài mọi thứ, vậy bạn đâu cần lựa chọn gì. Rất nhiều người cả cuộc đời đều được sắp đặt sẵn. Bạn có thể nghĩ rằng họ có tính ỷ lại nhưng cũng có thể đó là bản tính hiền lành, muốn dĩ hòa vi quý hoặc vì hoàn cảnh không cho phép họ có quyền quyết định.
 
Ví dụ, một người suốt hai mươi mấy năm tuổi đời đều nghe theo sự sắp xếp của gia đình, đến khi phải rời khỏi vòng tay bảo bọc của bố mẹ, họ trở nên cô độc, sợ hãi, không dám gánh vác việc gì. Vậy là "sao cũng được" bắt đầu xuất hiện thường trực trên môi họ và trở thành tấm khiên che chắn nội tâm, là linh đơn diệu dược giúp họ ứng phó với tất cả các câu hỏi. 
 

5. Tự động viên mình 

 
Khi đối mặt với sự phiền não và bất lực, có thể bạn sẽ nói: "Chuyện đời đâu như mơ, thôi thì sao cũng được". Cụm từ này trở thành lời cảm thán, tự an ủi mình, là thái độ thản nhiên trước cuộc đời khắc nghiệt.

Theo Bestie

Tags: Vô cảm     Trốn tránh     Chính kiến    

Bài khác

Bài viết mới