Đừng để giận quá mất khôn

Chúng ta đã quá biết tác hại của những cơn giận dữ, và cũng thừa hiểu rằng thật khó để bình tĩnh và không nói (hay làm) những điều ngu ngốc khi đang giận. Đó là vì chúng ta không thể kiểm soát được cơn giận của mình. Để đỡ phải ân hận vì “giận quá mất khôn”, hãy học cách kiểm soát cơn giận qua 5 bước đơn giản sau:


1- Quyết định mục đích quan trọng của cuộc tranh cãi

 
Thực tế là trong các cuộc tranh cãi nảy lửa, mục đích của cả hai bên chẳng có gì khác ngoài việc… phải thắng bên kia. Có thể lúc đầu bạn và người kia tranh cãi và nổi đoá vì hàng tỷ lý do khác nhau, nhưng khi đã vào “cơn” rồi thì bạn chỉ còn quan tâm đến chuyện trút “sấm sét” và hạ người kia xuống mà thôi. Và đó chính là nguồn cơn của những lời nói và hành động ngu ngốc bộc phát trong cơn giận.
 
Ngay khi bạn cảm thấy máu nóng đang rần rần chạy quanh tai, hãy cố gắng dằn lại trong chốc lát để nghĩ thật nhanh mục đích quan trọng của cuộc tranh cãi này là gì? Để làm điều đúng hay để thắng đối phương? Câu trả lời phải là để làm điều đúng đắn, vì cãi thắng chỉ để mà thắng chẳng có nghĩa lý gì cả. Chẳng lẽ bạn chỉ nổi khùng lên để cãi cho người ta thấy mình quá dữ dằn thôi sao?
 

2- Nhận thức cơn giận của mình

 
Sau khi xác định được mục đích chính của việc tranh cãi, bước tiếp theo là nhận ra cơn giận ngay từ điểm xuất phát. Việc này có thể rất khó nếu bạn vốn nóng tính, bạn có thể không kịp nhận ra là mình đã đùng đùng nổi giận cho đến khi mọi chuyện bắt đầu “leo thang”.
 
Hãy luôn nhớ lấy mục đích bạn đã chọn ở bước 1 để so sánh với điều bạn đang cảm thấy bức bối và muốn bùng nổ; khi hai mục đích này khác nhau, tức là cơn giận đã nhen nhóm và chực chờ kéo bạn vào một cuộc cãi vã không đến đâu cả.
 

3- Lùi lại và phân tích tình hình

 
Khi đã nhận thức được cơn giận đang bủa vây, giờ là lúc bạn tìm cách giải thoát cho mình. Bạn cần lùi khỏi cuộc cãi vã lúc này còn chưa đến nỗi nào để suy xét tình hình, xem yếu tố nào làm bạn “nóng máu” và đặt nó trong toàn cảnh của vấn đề. Hãy dành vài phút để phân tích nhanh.
 

4- Có đáng không?

 
Hãy nghĩ xem mâu thuẫn này có đủ quan trọng để ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn cả ngày sau cuộc cãi vã này, hay khiến mối quan hệ của bạn với người này sứt mẻ? Liệu có đáng không?Nếu bạn tự hỏi mình như vậy, bạn sẽ nhận ra một thực tế là phần lớn các cuộc cãi và những cơn giận dữ là không đáng. Chúng ta cãi nhau vì rất nhiều chuyện vặt vãnh, như chuyện nêm thức ăn không vừa hay quên phơi quần áo. Hãy nghĩ xem, có phải chúng ta quá thừa năng lượng và thời gian cho chuyện cãi vã vô bổ chẳng giải quyết được gì không?
 

5- Bỏ đi, nếu chẳng đáng để giận

 
Khi bạn nhận ra là bạn chẳng cần phải nổi giận hay cãi nhau mới giải quyết được, đơn giản là bỏ qua thôi. Bạn có thể dừng ở đây, chỉ vậy thôi.
 
Cả khi làm vậy có nghĩa là bạn dừng cuộc cãi vã đột ngột, hay rõ ràng là người kia sai chứ không phải bạn, điều đó cũng chẳng có gì quan trọng cả. Bạn chỉ cần dừng một cuộc cãi vã chẳng đáng có, để không rước vào mình tâm trạng bực bội hậm hực sau “chiến sự”. Chỉ cần rút lui, và bỏ chạy, vậy thôi!
 
Thực ra trong cuộc sống, đấu tranh vì lẽ phải và vì quyền lợi chính đáng của mình hay của những người mình yêu thương là cần thiết, nhưng bạn không cần phải to tiếng giận dữ khi không đồng tình với người khác, bạn cũng không cần hung hăng mới chiến thắng người khác trong một cuộc tranh cãi. Tất nhiên bạn có quyền giận, đó là cảm xúc tự nhiên, nhưng hãy biết kiểm soát cơn giận của mình, vì đó chính là cách bạn làm chủ tình huống.
 
Bạn đã bao giờ vì giận quá mà nói hay làm những điều mình phải hối hận?


Bài viết cùng chủ đề có thể bạn muốn xem:


 

Sưu tầm

Bài khác

Bài viết mới