Em ơi đừng Suỹ nữa
Hôm qua Tony đi ăn tiệc có gặp 1 anh kia, giám đốc 1 cty hẳn hoi, người Nghệ An nhưng vào Lâm Hà, Lâm Đồng sống từ cấp 1, sau đó ra Hà Nội hạc ĐH nông nghiệp.
Vùng anh sống toàn người Bắc nên anh nói giọng Bắc. Thế có người hỏi quê đâu, ảnh nói ngay là quê anh ở Hà Nội, nhà anh ở phố Hàng Bông. Chẳng may cho anh là trong bàn, có 1 anh cũng ở Hàng Bông, anh này truy vấn đến cùng, thế cấp 1 trường gì, cấp 2 trường gì, cấp 3 trường gì, rồi quen biết với ai. Lỡ nói cấp 1 chuyên Hoàn Kiếm, cấp 2 Chu Văn An, cấp 3 Hà Nội Amsterdam...nhưng thầy cô nào cũng hẻm biết, bạn bè nào cũng không có, thậm chí hạc năm nào đến năm nào cũng không rõ nên anh chống chế rất vất vả. Gương mặt đỏ bừng, tay chân lóng ngóng suýt làm đổ ly bia. Ngồi cả buổi ăn không được vì lo suy nghĩ sáng tác lý lịch cá nhân.
Tony mới nói đỡ liền. Nói dạo này người bị Alzheimer nhiều lắm, trí nhớ sa sút, như Tony đây, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Paris nhưng giờ quên hết tiếng Pháp rồi còn đâu.
Anh ấy nghe xong, nói ừa, anh bị Alzheimer nặng. Cám ơn Tony, bữa nào anh về quê anh mang xuống cho em ít cà phê, cà phê trồng ở Hàng Bông ngon lắm...
Này các bạn trẻ, mấy người thuộc văn hoá cũ hay sĩ diện, vì họ chẳng có gì trong tâm hồn nên lúc nào cũng sợ khinh khi. Nên phải "làm mặt làm mày" tức trang điểm, đeo mặt nạ vô. Thế hệ mình khác. "Có sao nói vậy người ơi" cho nó dễ thương.
Lỡ có gặp mấy đứa hay kể ngày xưa mình hạc giỏi, cha ông mình danh gia vọng tộc thế này thế kia,...thì mình biết ngay là đứa nhảm nhí. Vì người thực sự như vậy không ai kể, cốt cách quý phái, sự thông thái giỏi giang tự phát tiết ra ngoài, không cần khai. Nếu thấy họ cứ nói miết thì mình có thể nói "tao nể quá khứ gia đình mày rồi, vui lòng quay về thực tại, mày đang đọc sách gì, mày có giúp đỡ ai không". Mình lái chủ đề qua lòng nhân ái, sự văn minh, tính trung thực, hảo sảng, nghĩa tình. Có thì tham gia vô nói, không có thì gắp miếng thịt kêu nó nhai đi.
Sĩ diện là văn hoá châu Á, văn minh phương Tây không có nên chữ "sĩ diện" không có trong từ điển tiếng Anh. Bên Trung Quốc thể loại sĩ diện nhiều lắm, đặc biệt là thế hệ cũ, nên bọn trẻ Trung Quốc bây giờ mỗi lẫn nghe mấy người cứ lặp đi lặp lại chuyện quá khứ là họ nói câu "ru guo ni bu chu sheng, mei you ren shuo ni shi ya ba- phiên âm: rủ cụa nì bủ chu sâng, mảy dầu rỉnh sua nị sư dạ ba", nghĩa là " dù bạn không nói tiếng nào, cũng không có ai nói bạn bị câm".
Hôm bữa qua đó ăn tiệc, Tony nghe tụi nó nói câu này miết mà thuộc lòng luôn.
Theo TnBS