Giới trẻ thế giới tự lập từ năm bao nhiêu tuổi?

Thường sau khi đến tuổi trưởng thành, hay khi bắt đầu có việc làm và độc lập về tài chính, hoặc có thể sau khi kết hôn các bạn trẻ trên thế giới sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu xa gia đình và sống tách riêng với cha mẹ của giới trẻ ở các nước thường không giống nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về điều này ở một số quốc gia trên thế giới.

 

Hy Lạp

 
Ở đất nước Hy Lạp, những người đến 30 tuổi vẫn sống cùng với cha mẹ của họ không phải là hiếm. Các nhà xã hội học đã chỉ ra rằng do thanh thiếu niên Hy Lạp đã quen với cuộc sống được chiều chuộng và họ được cha mẹ sẵn sàng chu cấp mọi thứ từ nhỏ, đồng thời họ cũng sợ những khó khăn. Nếu họ quyết định ra sống riêng, cha mẹ cũng sẽ đảm bảo con mình không phải gặp khó khăn về kinh tế. Tại Thessaloniki và Athens, người trẻ thuê một căn hộ và việc trả tiền nhà có thể được trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của bố mẹ.
 

Ý

 
Theo số liệu thống kê, hơn một nửa số thanh niên Ý từ 18 đến 34 tuổi vẫn sống cùng một mái nhà với cha mẹ, ngay cả khi họ đã có việc làm. Mối liên hệ của họ với các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ và con trai. Một phần lí giải cho điều này là do giá nhà đất ở Ý khá cao và giới trẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc tốt. Tuy nhiên những người trẻ tuổi ở đất nước này vẫn cảm thấy thoải mái vì cha mẹ họ luôn cố gắng hết sức để có thể cho con mình có một cuộc sống thoải mái, kể cả về vật chất.
 

Israel

 
Nhiều thanh thiếu niên ở Israel vào quân đội ngay sau khi học xong trung học. Họ hoàn thành nghĩa vụ sau 21 tuổi nhưng rất hiếm khi về nhà sau đó. Nếu có những thời điểm họ sống với cha mẹ của mình thì thường là trường hợp bắt buộc và tạm thời, điều đó sẽ tiết kiệm được tối đa cho chi phí nếu họ học cao đẳng, đại học. Nhiều bậc cha mẹ ở Israel thường giúp trả tiền thuê nhà cho con nhưng nếu họ muốn tự lập về mọi thứ, cha mẹ cũng không gây áp lực lên quyết định của đứa trẻ. 
 

Ai Cập

 
Phần lớn thanh thiếu niên ở Ai Cập sau 18 tuổi cố gắng sống riêng với cha mẹ, sau đó kết hôn. Tuy nhiên rất nhiều người trẻ ở đây gặp khó khăn vật chất. Trước tiên, để một người đàn ông có thể tự lo cho bản thân và lập gia đình, anh ta phải có một mức lương tốt. Theo thống kê gần đây, cứ 4 thanh niên Cairo trong độ tuổi kết hôn thì có một người vẫn sống cùng với cha mẹ. Lí do là vì khủng hoảng kinh tế và vấn đề nhà ở làm cho nhiều người trẻ Ai Cập vẫn  phải sống cùng nhà với cha mẹ cho dù họ không muốn. 
 

Philippines
 

Người trẻ ở Philippines sau tuổi trưởng thành và kể cả khi có được một công việc ổn định vẫn ở lại sống với cha mẹ. Không hiếm những người đến 40 tuổi chưa kết hôn vẫn sống cùng gia đình. Thậm chí, ở đất nước này trong một ngôi nhà còn có cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác sinh sống cùng nhau. Thông thường những chàng trai sau khi kết hôn đều đưa cô dâu đến sống cùng gia đình mình. Điều này là do truyền thống văn hoá của Philippines và còn có một thực tế là giá nhà ở đây rất đắt đỏ. 

Theo Ohay

Bài khác

Bài viết mới