Hướng dẫn mở doanh nghiệp làng ta - Bài 4: Chuyện cố gắng

Ở công ty này, chỉ “có làm” hay “không làm”, “do or not do”, không có khái niệm cố gắng. Cứ nói cố gắng rồi không ai biết kết quả ra sao, đến lúc hỏi thì nói “em đã cố gắng hết sức”, thì làm gì được nhau.


Cái Liễu chở cái Hoa đến công xưởng sản xuất lá tắm dược thảo, tọa lạc ở ngay ngã ba đường lên UBND xã. Anh bảo vệ ra mở cổng, tươi cười đón bà chủ và cô giám đốc 28 tuổi vào trong. Xuống xe, cái Hoa nhìn ngó cái sân trước xưởng, thấy cần trồng thêm 1 hàng cây bàng Đài Loan để có bóng mát, để buổi trưa công nhân còn ra ngồi nghỉ ngơi, bèn gọi anh bảo vệ tới giao việc. Hoa nói cuối giờ chiều, anh lên kế hoạch cho tui là trồng mấy cây, bao nhiêu tiền một cây, phân bón lót thế nào, còn đào thì anh tự làm được, ngồi ngáp chi cho mệt, lúc rảnh là trồng cây cho tui. Anh bảo vệ tên Nam dạ, nói để em vô làm liền. Nam năm nay 30 tuổi, đi bộ đội về, người cao to khỏe mạnh, ngoài làm mảnh ruộng con con, anh ở nhà ra vô cho hết ngày. Thấy anh hiền lành đạo đức tốt nên Liễu mời vô làm. Ngoài việc mở cổng vô ra, khám xét giỏ công nhân mỗi chiều về, thời gian còn lại, Nam chỉ ngồi buồn ôm cái tivi và ấm trà. Cái Hoa cái Liễu dạo này lu bu nên chưa giao việc hết cho anh, bây giờ, được giao vụ trồng cây trong sân, anh vui mừng lắm, bèn lấy bút giấy ra vẽ vẽ…
 
Cái Liễu vào, đi 1 vòng coi ngó khắp xưởng, thì vô phòng họp, gọi Minh, Thái, Hương vào, phân công nhiệm vụ cho dự án chuối xuất khẩu. Liễu họp chỉ đạo, các bạn ghi chép và tự đó, lên lịch triển khai, báo cáo lại. Cu Minh nói dạ, việc 2 chị giao, em sẽ cố gắng hết sức. Cái Hoa chỉnh ngay, “cố gắng” nghĩa là gì. Ở công ty này, chỉ “có làm” hay “không làm”, “do or not do”, không có khái niệm cố gắng. Cứ nói cố gắng rồi không ai biết kết quả ra sao, đến lúc hỏi thì nói “em đã cố gắng hết sức”, thì làm gì được nhau. Cái Liễu nói đúng vậy, ngày xưa chị làm ở công ty Nhật, chữ “try” là chữ cấm nói. Ai mà nói “I will try” (tôi sẽ cố gắng) sẽ bị trừ lương, vì nó không rõ ràng về trách nhiệm. Phải nói là “I will do”, tôi sẽ làm, hạn chót là ngày mấy. 
 
Cu Minh, cái Hương, cái Thái ngồi nghe mà ngỡ ngàng, nuốt từng lời. Đúng là giới tinh hoa, giới làm chủ nó khác người quá. Người ta tư duy như vậy mới nên cơ nghiệp. Mình cứ quen kiểu cô giáo phê trong sổ liên lạc ngày xưa “chăm ngoan, có cố gắng” nên cứ dậm chân miết vầy. Hay bài hát gì mà trẻ con Việt Nam hay hát, “thứ 2 là ngày đầu tuần, em hứa cố gắng chăm ngoan. Thứ 3 thứ 4 thứ 5, ngày làm cũng luôn cố gắng”. Cố gắng miết mà có khá khẩm gì đâu. Động từ “cố gắng” là một động từ tào lao, không có định lượng. Phải cụ thể. Mẹ tiễn con lên đường, dặn “lên thành phố gắng học nha con”, rồi con đáp “dạ con sẽ cố gắng không phụ lòng mẹ”. Rồi thôi, không ai biết kết quả ra sao cả. Nghe bạn học sinh lên lãnh thưởng nào phát biểu "em sẽ cố gắng học tiếng Anh cho thật giỏi", thì người phát học bổng giật lại phần thưởng, khỏi tặng. Phải nói rõ là con sẽ thi Ai-eos 7 chấm, 8 chấm, hạn chót là 31/12 nộp kết quả lại đây. Hay đứa nhân viên nào nói "em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của công ty giao phó" thì đuổi ra luôn, phải nói rõ là "em sẽ làm việc A, B, C đó, hoàn tất vào ngày 1/1/2017". Phong cách mới vậy đi, nó mới hiệu quả được. 

Theo AntruacungTony

Bài khác

Bài viết mới