Làm gì khi con trở thành chú sâu ngang ngạnh trong tổ kén của riêng mình?

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta ví việc nuôi con như một ‘nghệ thuật’ bởi nó yêu cầu ở người mẹ sự kiên nhẫn, sáng suốt, lòng yêu thương vô bờ bến và cả đức hi sinh không thể đong đếm. Điều này thể hiện rõ nhất qua hai thời điểm.

Một là những năm tháng con mới chào đời. Và hai là khi con bước vào độ tuổi vị thành niên cùng tâm sinh lý không ổn định, khó bảo và cứng đầu.

Đau đầu với những chú sâu ngang ngạnh

Chuyện những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên trở nên ‘trái tính, trái nết’ là vô cùng bình thường. Đó là độ tuổi mà con muốn được thử thách mọi giới hạn của bản thân và định vị mình ở đâu trên thế giới rộng lớn này. Nói một cách khác, con sẽ ‘áp dụng’ nhiều phong cách, nhân dạng khác nhau để trở nên cá tính và nổi bật. Đây cũng là giai đoạn mà lời nói của cha mẹ không còn ảnh hưởng nhiều tới quyết định của con nữa, bởi những gì đứa trẻ quan tâm chỉ là bạn bè cùng trang lứa nghĩ gì về mình. Chúng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi xu hướng, và cho rằng những gì không theo kịp xu hướng (như suy nghĩ của cha mẹ chẳng hạn) đều là lỗi thời, là cản trở, là vùi dập ‘lý tưởng sống’ của con.
 
Sự chiều chuộng, bao bọc và quan tâm sâu sát của cha mẹ dường như chỉ mang đến hiệu ứng ngược. Cha mẹ càng cấm cản, trẻ càng làm. Cha mẹ càng can thiệp, trẻ càng kháng cự. Chúng khoá mình lại trong những bức tường vô hình, như những con sâu trong tổ kén, vạch rõ một lãnh địa không ai có thể tiếp cận, kể cả đó là người mẹ - người yêu thương mình vô điều kiện đi chăng nữa.
 
Khao khát được trở nên độc lập khiến trẻ ngày càng xa lánh mẹ cha. Và nếu không có sự chuẩn bị tốt cũng như lòng kiên trì, người mẹ dễ bị rơi vào trạng thái bị động trước sự thay đổi của con và những giải pháp chữa cháy lúc này dường như chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.
 

Thay đổi bản thân trước khi con thay đổi

Cha mẹ bị động trong việc đối phó với đứa con trong độ tuổi vị thành niên sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu cha mẹ có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, nhận thức đúng và đầy đủ về những thay đổi tâm sinh lý có thể xảy đến với con mình. Và không có gì tốt bằng việc đọc những cuốn sách nghiên cứu về tuổi vị thành niên, tham khảo cách nuôi con của những ‘mẹ bỉm sữa’ khác. Hãy nhớ lại xem năm xưa khi mình vào độ tuổi ‘dở dở ương ương’ như thế, đâu là những vấn đề khiến mình cảm thấy lo lắng và mặc cảm: mụn, cân nặng, gu thời trang…? Càng hiểu biết càng giúp cha mẹ dự đoán được những thay đổi của con và kịp thời điều chỉnh cách đối xử với con.
 

Lắng nghe những chia sẻ để con cảm thấy được tôn trọng.

Cha mẹ cũng cần xây dựng cho mình những mức độ quản lý con cái linh hoạt. Nên nhớ việc sử dụng kỷ luật ‘thép’ hay áp đặt những giới nghiêm cứng nhắc sẽ khiến con ngày càng phản kháng gay gắt. Thay vào đó, hãy quan sát và lắng nghe những nhu cầu của con và cho con khoảng không gian cần thiết để con tự do thể hiện cá tính bản thân. Cha mẹ nên là người đồng hành chứ đừng quyết định hoàn toàn thay con. Những “con sâu” cứng đầu lúc này sẽ nhận thấy mình được tôn trọng, được tin tưởng và có thể mở lòng tâm sự hoặc nhờ sự trợ giúp từ phía gia đình của mình.
 
Yêu con nên yêu luôn cả sở thích (lành mạnh) của con. Còn nếu cha mẹ cảm thấy hụt hơi khi chạy theo xu hướng cùng con, thì hãy làm người cổ vũ con nhiệt thành từ khán đài. Một đứa trẻ tuổi teen yêu thích các ‘oppa’ Hàn Quốc ‘cool ngầu’ hẳn sẽ không hài lòng nếu nhận được bộ dụng cụ học tập Hello Kitty màu hồng ‘sến súa’. Hay nếu con thích ăn bánh quy trong bữa chiều thì mẹ cũng đừng gò con phải ăn xôi, cháo. Thấu hiểu và tôn trọng sở thích ăn, chơi, giải trí… của con để từ đó đưa ra những điều chỉnh hợp lý sẽ giúp kết nối giữa các thế hệ trong gia đình một cách hiệu quả.
 

Không khí gia đình ấm áp giúp con mở lòng

Tất cả những lời khuyên trên đây chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu con được sống trong một không khí gia đình ấm áp, gần gũi, nơi mỗi thành viên cùng nhau ‘Chia Ngọt Bùi - Cộng Niềm Vui’. Và một tổ ấm như vậy không tự hình thành, nó cần có sự đầu tư về mặt thời gian và tình cảm vô bờ bến của mọi thành viên.
 
Con chỉ có thể mở lòng khi cha mẹ, anh chị luôn dành thời gian cho con, luôn quây quần đầy đủ trong bữa cơm gia đình ấm cúng, trong những câu chuyện cởi mở sau bữa ăn, bên tách trà, đĩa bánh. Con chỉ có thể hạnh phúc khi không gian gia đình luôn ngập tiếng cười, không tồn tại những tảng băng lạnh lùng, những hố đen ngăn cách.
 
Vậy đấy, đúng là nuôi dạy con cứng đầu, ngang ngạnh trong những năm thiếu niên là một thách thức không nhỏ nhưng vẫn có thể thực hiện thành công. Vấn đề cốt lõi chỉ là cha mẹ đã chuẩn bị bản thân mình sẵn sàng cho giai đoạn ấy hay chưa mà thôi.

Theo Cafebiz

Bài khác

Bài viết mới