Làm sao chữa hết bệnh lười?
Sự lười biếng nhìn giống y như con số 8. Nếu đặt nằm ngang thì nó là vô cực. Trong thế giới động vật có một loài được đặt tên là "vua lười". Sự lười biếng và chậm chạp của nó có thể nói là vô biên.
CHẬM HƠN CON RÙA
Sở dĩ loài Bradypus tridactylus, được coi là loài là loài thú lười biếng nhất thế giới, bởi ít có con thú nào di chuyển chậm chạp như nó. Loài rùa, vốn nổi tiếng chậm chạp, còn thua xa về độ lười biếng so với con Bradypus tridactylus. Các nhà khoa học đã đo tốc độ của con Bradypus tridactylus và nhận thấy mỗi ngày, con vật to tướng này chỉ di chuyển trung bình 28 mét.
Món ăn ưa thích của "vua lười" là lá cây, cành non loại cây Cecropia lyratiloba. Do thị giác và thính giác của chúng rất kém, nên chúng chả khác nào bị mù. Chúng tìm thức ăn theo kiểu người mù, đó là ngửi và sờ mó. Thậm chí, chúng lười đến nỗi không chịu đưa tay kéo chiếc lá vào miệng, mà chỉ chén những chiếc lá non ở ngay miệng với một tốc độ chậm kinh khủng. Có lẽ bởi sự chậm chạp trong hành động, mà chúng tiêu tốn năng lượng cực ít. Phải mất 1 tháng, chúng mới tiêu hóa hết thức ăn có trong dạ dày.
Loài lười Bradypus tridactylus có khả năng treo mình bất động trên cây nhiều giờ liền. Những loài thú ăn thịt không nhận ra chúng với tư thế bất động như xác chết. Vì chúng cực kỳ ít di chuyển, lại di chuyển cực chậm, nên vào mùa mưa, các loại tảo, rêu mốc mọc kín lông, khiến chúng biến thành màu xanh rêu. Lười đến mức mọc rêu trên người, thì quả thực không hổ danh "vua lười".
Loài Bradypus tridactylus có kiểu sinh hoạt cực kỳ lạ đời, ấy là quanh năm suốt tháng treo ngược thân thể lên cành cây. Lúc ăn, lúc ngủ, thậm chí khi đẻ cũng treo mình như võng, ngửa bụng lên trời. Vừa ra đời, lười non đã biết bám vào lông mẹ và sống trên bụng mẹ.
Mặc dù phần lớn thời gian treo ngược trên cây, nhưng thi thoảng Bradypus tridactylus cũng xuống đất để đi vệ sinh. Chúng tạo ra cái lỗ, rồi mỗi tuần đi vệ sinh một lần vào đó. Cái cách chúng xuống đất cũng cực kỳ hài hước. Chúng nằm ngửa hoặc nằm sấp, dùng móng vuốt bập vào đất để kéo lê cơ thể đến chỗ đi vệ sinh.
ĐỪNG GIỐNG CON LƯỜI BẠN NHÉ
Nếu đã lười mà còn ham ăn nữa thì "vua lười" sẽ được gọi là "heo lười". Nếu nhận ra một ngày mình chỉ lẩn quẩn được vài mét vuông trong nhà hay lăn lộn vài trăm vòng trên giường thì bạn đã được liệt vào hàng "vua lười" rồi đấy.
Bắt mạch bệnh lười:
- Tác phong làm việc lề mề.
- Hay trì hoãn và né tránh những công việc mà mình cần làm trong ngày.
- Hay lo âu, sợ hãi khi phải làm việc. Thích "há miệng chờ sung".
- Không làm, đưa ra 1001 lý do để trốn tránh công việc.
- Luôn xem thời gian là vô hạn nên không bao giờ tranh thủ để có thể hoàn thành công việc một cách sớm nhất.
- Lướt Facebook bất cứ khi nào mở mắt.
Kê toa:
1. Hình dung ra kết quả và hậu quả:
Hãy hình dung xem bạn sẽ thế nào nếu “vượt lên được chính mình”. Kết quả tốt đẹp to lớn phía trước sẽ kích thích bạn vượt qua những dễ chịu nho nhỏ trước mắt. Trước khi tiến hành bất cứ công việc nào, hãy liệt kê ra ít nhất 3 lợi ích của việc bạn đang làm. Bạn thử mổ xẻ xem trong công việc bạn làm có gì thú vị. Loại công việc nào cũng có cái thú vị của nó, quan trọng là bạn có biết “vạch lá tìm hoa” hay không mà thôi. Song song đó, hãy “chêm” vào hình ảnh bạn phải gánh chịu nếu như đầu hàng và tiếp tục đắm chìm trong những thú vui lặt vặt.
2. Treo giải thưởng:
Bạn lười vì thích hưởng thụ. Hãy tận dụng điểm yếu để biến thành điểm mạnh bằng cách treo giải thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành một công việc khó. Chẳng hạn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giặt hết đống quần áo thì tối bạn có thể đi shopping.
3. Bài tập ý chí:
Hãy dành ra 15 phút để liệt kê tất cả những thói quen “dây dưa” của bạn. Đặt mục tiêu hành động dứt khoát trong thời gian ít nhất một tuần. Những lần dứt khoát như thế lặp đi lặp lại nhiều lần nghĩa là bạn đã xây từng viên gạch cho một thói quen mới, một tác phong mới, tác phong công nghiệp, đầy dứt khoát và ý chí.
4. Tự đặt mình vào thế bí:
Hãy công bố cho mọi người biết kế hoạch của bạn. Hãy cam kết và đưa ra lời hứa với sếp/ bạn bè. Nếu không cố gắng chăm chỉ để hoàn thành, bạn sẽ cực kỳ "bẽ mặt” trước mọi người.
5. Chia nhỏ:
Chia việc lớn thành những nhiệm vụ nhỏ. Hoàn thành từng điều một thay vì “đa mang” bù đầu bù cổ trong suốt thời gian làm. Chia nhỏ công việc cũng giúp bạn nhìn rõ nhiệm vụ hơn, từ đó bạn biết cụ thể mình có bao nhiêu việc phải làm. Song song đó, hãy chia thời gian học/ làm việc thành những khoảng nhỏ, thay cho một kế hoạch dài hạn không khả thi.
6. Hoạt động mồi:
Chọn một việc dễ để làm trước. Việc đầu tiên trơn tru sẽ "tạo trớn" cho các toa tàu phía sau. Nên nhớ, hãy chọn một nhiệm vụ để khởi đầu, nếu không kế hoạch rất dễ “chết”.
Sưu tầm
Tags: Lười biếng Sống tích cực