Làm thế nào để tha thứ cho người làm tổn thương bạn?

Tha thứ là một quyết định có chủ đích và là một trạng thái của trí não, và chúng ta có thể nuôi dưỡng qua việc rèn luyện hằng ngày. Dưới đây là những bước đơn giản để bạn có thể thực hành và bắt đầu hành trình học cách tha thứ cho mình.


1. Liên kết với cảm xúc của bạn

 
Hãy kiểm tra xem cảm xúc của bạn hiện giờ ra sao, đừng phàn nàn gì cả. Hãy thoải mái với chính bạn và cho phép mọi việc xảy ra. Chỉ cần cảm nghiệm và đừng đổi lỗi cho ai cả. Bạn có thể viết ra giấy những ý nghĩ và cảm xúc của bạn, để bạn hiểu rõ những gì bạn đang cảm nhận
 
Tiếp theo, hãy tự hỏi điều gì bạn có thể làm để tìm ra một lối thoát và vượt qua những cảm xúc đó: bạn có thể ra ngoài đi dạo, dành thời gian chăm sóc môi trường, làm một số công việc sáng tạo (như sơn, vẽ tranh, tô màu mô hình vũ trụ, hát, chơi nhạc cụ…), viết một Lá thư tha thứ, hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người tư vấn hoặc một chuyên gia.
 

2. Giải phóng quá khứ

 
Trong cuộc sống, để tiến lên phía trước, một trong những việc quan trọng mà bạn phải làm là giải phóng quá khứ và sống cho giây phút hiện tại. Chúng ta thường mang theo quá khứ mà không để ý điều đó. Chính quá khứ sẽ làm chúng ta chán nản và sẽ cảm thấy bị mắc kẹt, không tiến lên được. Nếu không thường xuyên luyện tập giải phóng quá khứ, chúng ta xây nên một ngọn đồi của những cảm xúc chưa được xử lý, và những lộn xộn về mặt tinh thần. Điều này sẽ che mờ tầm nhìn, và khiến chúng ta khó nhận ra những bước tiếp theo để hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.
 
Hãy luyện tập việc sống cho giây phút hiện tại bằng cách ngồi tĩnh lặng, theo dõi hơi thở của mình hoặc đơn giản hơn là hãy đi ra ngoài và thưởng thức những cảnh đẹp xung quanh mình. Bạn cũng có thể viết nhật ký. Hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi sau như những lời nhắc nhở để giúp bạn thoát khỏi cái bẫy của cảm xúc: Bạn là ai nếu không có sự giận dữ, tổn thương hay oán hơn? Bạn muốn cuộc sống trở nên khác đi như thế nào? 
 

3. Mang năng lượng trở lại

 
Hãy bắt đầu viết câu chuyện mới cho chính mình. Bạn không sinh ra để trở thành một nạn nhân và sự tha thứ không phải chỉ là trải nghiệm một lần. Bạn phải cam kết lựa chọn sự tha thứ trong mọi tình huống. Không ai có quyền làm cho bạn cảm thấy không thoải mái nếu không có sự đồng ý của bạn.
 
Khi những cảm xúc bị tổn thương tương tự nhau xảy đến, hãy nhắc nhở mình rằng bạn chọn tha thứ; bạn chọn mang năng lượng trở lại, và bạn chọn sự yêu thương. Tôi vẫn sử dụng công thức sau đây cho chính mình, và nó thực sự hữu dụng: “Việc sẵn lòng thay đổi cần đến từ sâu bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta tìm đến nó khi bắt đầu tin rằng việc cuộc sống vui vẻ,có mục đích, đầy tình yêu thương và những mối quan hệ có ý nghĩa là quyền bẩm sinh của chúng ta”.
 

4. Tích lũy qua từng bài học

 
Mỗi trải nghiệm là một bài học cho chúng ta. Đôi lúc chúng ta phải trải qua những tổn thương sâu sắc, nhưng tôi tin chắc với bạn rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước đó. Thậm chí khi chúng ta nghĩ rằng điều xảy đến với chúng ta là không công bằng, những kinh nghiệm đó là một phần trong sự trưởng thành về mặt tinh thần. Nếu chúng ta mở lòng để nhìn nhận chúng, những khoảnh khắc đen tối ấy sẽ truyền tải và giúp chúng ta có những góc nhìn và nhận thức mới. Tôi đã từng gặp nhiều người lúc họ rơi vào những thời điểm khó khăn, và chính thời điểm đó là chất xúc tác để tạo nên những câu chuyện mới và truyền cảm hứng cho chính họ.
 

5. Lan tỏa tình yêu thương và nguồn năng lượng 

 
Khi bạn đã trải qua các bước trên, bạn sẽ có thể bắt đầu gửi tình yêu đến những người làm tổn thương bạn. Tôi biết rằng không dễ để thực hiện điều này, nhưng đây chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi! Thay vì gởi đi những cảm xúc tiêu cực đến người làm bạn bị xúc phạm, hãy trao gởi cho họ tình yêu thương và nguồn năng lượng. Khi làm điều này, không còn món nợ tình cảm nào giữa họ và bạn, và bạn có thể ăn mừng sự tự do của chính bạn với một trái tim biết ơn!
 
Là một phần của quá trình tha thứ, bạn cũng cần tha thứ cho chính mình. Bạn có thể có những sự không hài lòng với kỳ vọng của chính mình. Bạn có thể nghĩ rằng có những thứ đáng lẽ nên xảy ra hoặc có thể xảy ra.
 
Tuy nhiên, khi tha thứ, chúng ta phải từ bỏ ý nghĩ rằng quá khứ đáng lẽ ra phải khác đi hay tốt hơn. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, vì thế không nên để quá khứ biến chúng ta thành những tù nhân của nó. Thay vào đó, chúng ta cần nhìn ra những giá trị tiềm ẩn trong những việc đã xảy ra, đó luôn là một bài học mới cho chúng ta. Khi phát triển sự rõ ràng, chúng ta giải thoát mình khỏi quá khứ và bắt đầu hướng đến tương lai.

Xem thêm:

Theo OhayTV

Bài khác

Bài viết mới