Mua nhà, tậu xe đã không còn là xu hướng?
Ngày nay, những thước đo thành công như sở hữu một căn hộ hay một chiếc xe hơi đã trở nên lỗi thời. Ngày càng nhiều những người trẻ trên thế giới không muốn mua chúng nữa. Tại sao lại xảy ra điều này?
Nghiên cứu cho thấy thế hệ thiên niên kỷ, những người trong độ tuổi từ 30-35 hiện nay hiếm khi mua nhà và xe hơi. Thực tế thì họ không mua bất kỳ tài sản nào quá đắt tiền. Ở Mỹ, những người dưới 35 tuổi được gọi là “thế hệ những người thuê nhà”.
Tại sao lại xảy ra điều này?
Một số nhà xã hội học cho rằng, do thế hệ trẻ ngày nay phải chịu ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là lý do tại sao họ sợ những khoản vay lớn.
Nhưng đó không phải là lý do quan trọng nhất. Điều chủ yếu là thế hệ trẻ ngày nay khác với thế hệ cha mẹ họ. Họ theo đuổi những giá trị khác. Giới trẻ ngày nay đang thay đổi khái niệm về thành công như:
- Những người thành công không mua bất động sản – họ thuê.
- Nếu bạn muốn được coi là thành công, hãy đầu tư vào những trải nghiệm như: Đi du lịch, chơi thể thao và xây dựng công ty riêng.
Người trẻ bây giờ không còn muốn sự ổn định, tất cả những gì họ muốn là một lịch trình linh hoạt, tự do về tài chính và nơi ở.
Người ta không còn quan tâm đến vật chất
Tại sao phải sở hữu một chiếc xe hơi trong khi bạn có thể đi taxi? Nó tương tự như một chiếc xe cá nhân với một tài xế riêng, và nó rẻ hơn nhiều so với việc sở hữu một chiếc xe.
Tại sao phải mua một căn nhà ở một nơi tuyệt đẹp và đến đó nghỉ ngơi trong khi bạn có thể tìm một nơi để ở lại qua dịch vụ đặt phòng Airbnb (AirBed and Breakfast) ở bất kỳ đâu trên hành tinh này? Bạn sẽ không cần phải trả số tiền quá lớn cho việc thuê hay mua một căn hộ ở nơi bạn yêu thích.
Hơn nữa, bạn không biết bạn sẽ ở lại nơi bạn sinh sống bao lâu. Có thể bạn sẽ phải thay đổi công việc trong vài năm tới. Nếu bạn ở nhà thuê, sẽ không có gì cản trở bạn chuyển đến gần văn phòng hơn. Theo Forbes, những người trẻ ngày nay thay đổi công việc trung bình ba năm một lần.
Khái niệm sở hữu dường như không còn phù hợp
James Hamblin, nhà bình luận của tờ Atlantic giải thích hiện tượng này như sau: “Trong thập kỷ qua, các nhà tâm lý học đã thực hiện một lượng lớn các nghiên cứu chứng minh rằng, xét về phương diện hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống, tiêu tiền vào những trải nghiệm mới mang lại nhiều lợi ích hơn là mua những thứ mới. Nó mang lại nhiều niềm vui hơn”.
Những trải nghiệm giúp chúng ta làm quen nhiều bạn bè
Tương tác xã hội giữa con người là rất quan trọng. Trò chuyện với mọi người và có nhiều bạn bè khiến cho bạn hạnh phúc hơn. Nhưng liệu mọi người sẽ thích nghe về các tài sản của bạn hay những kinh nghiệm sống của bạn trong những chuyến đi xa?
“Hóa ra mọi người không thích nghe nhiều về tài sản của người khác, nhưng lại thích nghe các câu chuyện về những trải nghiệm của họ”, Hamblin nói.
Hãy nhớ rằng ngay cả một trải nghiệm tệ hại cũng có thể trở thành một câu chuyện hay. Nhưng tài sản thì không thể.
Tài sản làm cho chúng ta lo lắng
Những gì chúng ta sở hữu, đặc biệt là những thứ đắt đắt tiền, luôn làm chúng ta lo lắng về tình trạng của chúng. Nếu bạn có một chiếc xe, bạn sẽ rùng mình mỗi lần âm thanh báo động có ai đó bên ngoài vang lên. Nếu bạn mua một ngôi nhà và chất đầy nó bằng những tài sản đắt tiền, bạn sẽ sợ bị cướp. Chưa kể đến thực tế là một chiếc xe có thể bị trầy xước hoặc bị hỏng, và một chiếc TV siêu đắt có thể hị hư hỏng sau một năm sử dụng. Nhưng không ai có thể lấy đi những kinh nghiệm mà bạn có.
Tài sản sẽ mất giá theo thời gian
Cha mẹ chúng ta đã không thể đi du lịch thường xuyên như chúng ta. Họ không có nhiều cơ hội để bắt đầu một doanh nghiệp mới. Do đó, họ đầu tư vào nhà, xe hơi và những tài sản đắt tiền khác.
Nhưng tất cả tài sản rồi sẽ bị mất giá theo thời gian, đặc biệt là với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty và nền kinh tế đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng như hiện nay.
Ngược lại, kinh nghiệm sống là điều duy nhất đáng giá: Nó sẽ không bao giờ bị mất giá, và không ai có thể đánh cắp nó.
Theo Tinhhoa