Nhân sinh phải biết cúi đầu, phải nhìn thấu đáo
Người anh minh phải dựa theo hoàn cảnh mà thay đổi, người trí tuệ phải dựa theo tình hình mà hành động. Một người có thể vứt bỏ hết thảy danh lợi tình, trong tâm bình thản thuận theo tự nhiên, thì nhất định sẽ nhìn ra được điểm hóa của ông trời.
Giày của các tăng nhân có ba loại, loại thường thấy nhất là “giày La Hán”, được làm từ vải bố. Mặt trước của loại giày này – phần mũi giày, là dùng ba miếng vải kết thành, hai bên giày có một vài lỗ hổng, người xuất gia, hầu như ai cũng đeo kiểu giày này.
Nghe nói loại giày này có hàm ý dạy mọi người phải biết nhìn thấu đáo mọi thứ, vì rất nhiều lúc khi mắt của chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào những thứ mà chúng ta khát khao, sự cố chấp mãnh liệt đó sẽ cản trở chúng ta nhìn rõ được con đường phía trước, cũng rất khó cúi thấp đầu để trầm tư suy nghĩ.
Trong Thiền tông có một câu chuyện nhỏ như sau, có lẽ có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó.
Có một vị cao tăng, là phương trượng của một miếu tự lớn, vì tuổi đã cao, nên muốn tìm một người để thay thế. Một hôm, ông gọi hai người đệ tử mình yêu quý nhất đến, hai người đệ tử này một người tên là Huệ Minh, một người tên là Trần Nguyên.
Cao tăng nói với bọn họ: “Các ngươi ai có thể dựa vào sức của mình, từ dưới vách núi dựng đứng phía sau tự trèo được lên trên, thì sẽ là người kế tục ta”.
Thế là, Huệ Minh và Trần Nguyên cùng đi đến dưới vách núi, đó quả thật là một vách núi khiến người ta phải dựng tóc gáy, vách đá dựng đứng cheo leo cực kì nguy hiểm. Huệ Minh cơ thể tráng kiện, vô cùng tự tin bắt đầu trèo lên, nhưng chẳng bao lâu cậu ta liền bị trượt từ trên xuống.
Nhưng Huệ Minh vẫn không nản lòng, bắt đầu trèo lại từ đầu, cho dù lần này cậu ta cẩn thận từng li từng tý, nhưng vẫn bị trượt từ vách núi xuống. Huệ Minh nghỉ ngơi một lát rồi lại bắt đầu trèo, mặc dù bị ngã mặt mũi bầm dập, nhưng cậu ta kiên quyết không từ bỏ…
Điều đáng tiếc là, Huệ Minh cứ trèo lên rồi lại ngã xuống liên tiếp, cuối cùng một lần khi cậu ta dồn hết sức bình sinh, trèo lên đến giữa lưng chừng thì kiệt sức, lại không có chỗ để nghỉ ngơi, nên bị rơi xuống một hòn đá lớn, rồi ngất lịm tại đó. Cao tăng đành phải bảo mấy đồ đệ dùng dây thừng kéo cậu ta trở về.
Tiếp theo đến lượt Trần Nguyên, lúc đầu cậu ta cũng như Huệ Minh, dùng hết sức để trèo lên đỉnh vách đá, kết quả là cứ trèo lên lại ngã xuống. Trần Nguyên cầm sợi dây thừng đứng ở trên một mỏm đá, định thử lại một lần nữa, nhưng sau khi vô tình nhìn xuống phía dưới, đột ngột vứt chiếc dây thừng vốn dùng để leo lên đỉnh vách đi, sau đó chỉnh lại quần áo, phủi sạch bụi đất, quay đầu đi xuống dưới núi.
Chúng tăng đang đứng đó xem vô cùng khó hiểu, lẽ nào Trần Nguyên dễ dàng từ bỏ như vậy sao? Mọi người thi nhau xì xào to nhỏ, chỉ có vị cao tăng lặng lặng nhìn theo hướng mà Trần Nguyên đã bỏ đi.
Trần Nguyên đến chân núi, men theo một con suối nhỏ, xuyên qua rừng rậm, băng qua khe núi, cuối cùng chẳng tốn sức lực gì mà lên được đến đỉnh vách.
Khi Trần Nguyên quay trở lại trước mặt vị cao tăng, mọi người còn cho rằng cao tăng sẽ mắng cậu ta là kẻ tham sống sợ chết, nhát gan yếu đuối, thậm chí còn trục xuất ra khỏi tự, ai ngờ cao tăng lại mỉm cười tuyên bố Trần Nguyên sẽ là vị chủ trì mới.
Chúng tăng đưa mắt nhìn nhau, không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Trần Nguyên giải thích với chúng tăng: “Vách đá sau chùa nếu dùng sức người không thể trèo lên được, nhưng chỉ cần đứng ở sườn núi cúi đầu nhìn xuống, thì sẽ thấy một con đường đi lên núi. Sư phụ thường nói với chúng ta rằng: ‘Người anh minh phải dựa theo hoàn cảnh mà thay đổi, người trí tuệ phải dựa theo tình hình mà hành động’, chính là muốn dạy chúng ta phải biết co biết duỗi trước mọi biến đổi”.
Cao tăng hài lòng gật đầu nói: “Nếu như bị mê hoặc bởi danh lợi, trong lòng các con hoàn toàn chỉ có vách đá dựng đứng trước mặt choáng ngập. Ông trời vốn chẳng dựng nên rào cản nào, rào cản chính là ở trong lòng mỗi người. Trong vòng xoáy của danh lợi, lúc nào cũng chỉ đấu đá tranh giành, nhẹ thì buồn bã đau khổ, nặng thì bị bị thương trầy xước, nặng hơn nữa thì thịt nát xương tan”.
Sau đó cao tăng giao y bát, tích trượng cho Trần Nguyên, rồi nói với mọi người: “Chuyện leo vách núi đá, mục đích là để kiểm nghiệm sự vững tâm của các con, có thể không bị kìm kẹp bởi danh lợi, lòng không vướng bận, có thể thuận theo tự nhiên, đó chính là người ta cần tìm”.
Mặc dù từ dưới vách núi leo thẳng lên trên đỉnh là con đường ngắn nhất, nhưng rất khó để thành công, men theo đường mòn quanh co trông có vẻ xa, nhưng lại là con đường gần nhất. Trên đường đời, chúng ta gặp phải vô vàn chướng ngại vật, tĩnh tâm lại quan sát, có lẽ sẽ tìm được một con đường dễ dàng hơn.
Khi đối mặt với dục vọng, chúng ta phải học tập theo những người có trí tuệ, phải luôn giữ vững được sự bình tĩnh và ung dung, chứ không thể để mục tiêu làm cho mù quáng; có thể cẩn thận quan sát hoàn cảnh, hiểu rõ được vị trí của mình là đang ở đâu, chứ không chỉ nhìn vào bề nổi của hoàn cảnh.
Khi con người cứ đắm chìm trong những suy nghĩ định kiến của bản thân, dù cho bị ngã bầm dập mặt mũi, nhưng cuối cùng vẫn trắng tay. Nếu có thể thong dong thuận theo số mệnh, tin rằng đường đời của chúng ta sẽ càng đi càng bình phẳng.
Theo Tinhhoa