Thay vì tiết kiệm hãy học cách kiếm thật nhiều tiền

Ai cũng biết rằng tiết kiệm là một đức tính tốt. Nhưng sẽ có nhiều người quan niệm rằng hãy học cách kiếm thật nhiều tiền, thay vì suốt ngày lo tiết kiệm. Tiết kiệm là tốt, nhưng đừng để mình khổ sở quá, cần tiêu cứ tiêu, tiêu rồi thì không tiếc, sống không hưởng thụ đến lúc chết để tiền khiến con cái ỷ lại là hại con chứ không phải thương chúng. Vậy nên nghĩ sao về điều này?

Trước hết, dù là ai, từ chính khách cho đến… thầy tu đều cần có tiền và thậm chí đều muốn có nhiều tiền. Không phải vì lòng tham mà có thể đó là điều kiện để đạt một mục đích tốt đẹp nào đó.
 
Tùy theo mục đích và tính cách của từng người mà đồng tiền được sử dụng khác nhau. Có người tiêu xài phung phí thì cũng có người tính toán từng đồng. Thích đếm tiền rồi… đem cất cũng không phải là chuyện hiếm. Người có tiền đi du lịch, ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ từ đồng tiền làm ra thì cũng không ít người chỉ thích có tiền để đếm. Đó là hạnh phúc cá nhân, không ai giống ai. Khi đếm tiền và có tiền cất giữ, họ cảm thấy an tâm, gặp chuyện không phải chạy vạy ngược xuôi, vay nóng, lãi cao.
 
Người có tiền, biết tiêu xài nhìn người tiết kiệm, tính toán sẽ cảm thấy tại sao lại có người sống như vậy, nhưng không nghĩ rằng chính ra việc tiết kiệm đã như cách hưởng thụ rồi. Tất nhiên, nếu biến mình thành nô lệ của đồng tiền thì sẽ trở thành bệnh hoạn.
 
Không hiếm những người tiêu xài phung phí nhưng cho người nghèo khổ một đồng cũng tiếc; cũng không ít người quanh năm tiết kiệm, tiêu dùng kỹ lưỡng, thế nhưng, khi có việc giúp ai đó họ không ngại ngần.
 
Tiêu tiền không chỉ thể hiện tính cách con người, một khuynh hướng tiêu dùng mà rộng hơn còn là thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng tiền lưu thông là đồng tiền sống, sinh sôi nảy nở (tất nhiên trong điều kiện mặt bằng chung về kinh tế ổn định). Đồng tiền nằm yên một chỗ là đồng tiền chết. Ai cũng khư khư giữ chặt miệng túi tiền thì làm sao kinh tế phát triển.
 
Và chỉ có một nền kinh tế èo uột, hay lạm phát, chiến tranh… người ta mới lo giữ chặt túi tiền. Còn không, xã hội trăm hoa đua nở bởi đồng tiền ra – vào hợp lý.
 
Từ đó, người ta cho rằng, một xã hội với tư duy, suy nghĩ không bị gói trọn vào ống heo tiết kiệm thì con người mới tự nghĩ ra được những thứ hay ho để học tập và làm ra tiền. Đó là điều tất nhiên và tích cực. Có làm ra thì phải có tiêu xài. Có tiêu xài mới nghĩ cách làm ra. Làm khổ cực mà đóng khung đồng tiền thì còn gì ý nghĩa cuộc sống.
 
Tuy nhiên, trên thực tế không hiếm những người tiêu xài như phá, ăn không biết ngày mai. Đôi lúc bí bách lại lao vào vòng xoáy kiếm tiền bất chấp thủ đoạn. Đồng tiền luôn có hai mặt, vừa là ông chủ, vừa là đầy tớ, có thể điều khiển con người. Do vậy, tiêu tiền tỉnh táo là điều cần phải tập. Anh làm ra nhiều, anh có quyền tiêu nhiều nhưng nếu anh biết nhín lại một chút, không nói để tiết kiệm mà dành cho tha nhân là điều rất đáng quý.
 
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một doanh nghiệp đạt các giải thưởng về chất lượng, môi trường, năng suất… là tiêu chí hướng về cộng đồng, chia sẻ với các đơn vị lân cận, có mặt trong lúc họ nguy nan, thiên tai, dịch bệnh…
 
Làm ra tiền là điều tích cực, luôn được mọi người ủng hộ và ai cũng muốn làm ra tiền. Tuy nhiên, nếu biết tiêu xài thông minh thì giá trị đồng tiền làm ra sẽ tăng cao. Và, nhân văn hơn, giá trị ấy còn tăng hơn nhiều lần nếu biết chia sẻ hợp lý. Một điều chắc chắn rằng, cho đi đôi khi hạnh phúc hơn là nhận lại.
 
Nhìn ra thế giới, trong khi các nhà phân tích kinh tế “nổ não” về việc Hy Lạp bị vỡ nợ thì các bà già xưa chỉ cần một nguyên tắc: “Ăn xưa chừa nay”. Các cụ lý luận, thu ít hơn chi, rồi vay mượn để chi, không vỡ nợ mới lạ. Các cụ dạy thêm: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Miệng ăn núi lở”, “Trời cho mỗi vật mỗi ngon/Ăn không nhịn miệng, chồng con mang nghèo”….
 
Đúc kết từ trải nghiệm biết bao nhiêu thế hệ mới có những câu đơn giản mà sâu sắc để lại cho đời sau vậy!

Bài học tương tự về TIỀN

Sưu tầm

Bài khác

Bài viết mới