Thế nào là người vợ vượng phu ích tử theo tiêu chuẩn của người xưa

Người ta nói rằng phụ nữ tựa như dòng nước. Nước sạch mềm mại và tinh khiết, nước bẩn có thể ăn mòn và làm bẩn đồ vật. Người phụ nữ “vượng phu” chính là phải biết sống sao cho “phải Đạo”.


Một người vợ giúp gia đình hưng thịnh, vượng phu phải hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình. Ngày nay đạo lý ấy vẫn còn giá trị, nên người ta hay có câu nói: “Giàu vì bạn, sang vì vợ” là có hàm ý như vậy.
 
Hãy xem người xưa trau dồi phẩm hạnh về đạo làm con, làm vợ thế nào để khiến gia đình hưng thịnh.
 

Đạo của người vợ theo tiêu chuẩn xưa

 
1. Người vợ là người mẹ, là người phụ nữ của một gia đình, cho nên người vợ phải luôn dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là trung tâm, nhân duyên của cả gia đình.
 
2. Người vợ phải giống như nước “ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình tròn”. Ý nói, người vợ phải thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Người vợ giống như nước, có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại không cùng vạn vật tranh chấp, luôn ở chỗ trũng nhất, khi đến chỗ thấp thì chảy xuống giống như đức tính nhường nhịn và bao dung của người phụ nữ.
 
3. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Người vợ không nhu hòa thì gia tài không hưng vượng.
 
4. Người vợ đừng là người vừa cứng vừa hung bạo, đừng nóng nảy, đừng dài dòng nhiều chuyện, lại càng không nên quản lý việc của chồng, thay vào đó nên trợ giúp chồng chứ không nên gây phiền lụy cho chồng.
 
5. Người vợ trước hết phải có “tính theo thiên lý”, “tâm theo đạo lý” và “thân theo tình lý” mới có thể định trụ được vị trí của mình và trợ giúp chồng hoàn thiện phẩm chất, đạo đức.
 
“Thân theo tình lý” là việc mình nên làm thì tự mình đi làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị em, ở dưới là dạy bảo con cái. Tất cả những việc ấy được xem là bổn phận của người vợ trong gia đình. Người vợ không sợ khổ, không sợ khó, làm việc mà không tức giận, oán hận và hối hận.
 
“Tâm theo đạo lý” là chỉ người vợ phải buông bỏ tâm tư lợi, tranh giành, tham lam mà phải suy nghĩ đến cách báo hiếu người già, cách hòa hợp với chị em dâu, cách giáo dục con cái.
 
“Tính theo thiên lý” là loại bỏ đi những tính cách xấu để làm cho bản tính của mình trở về với bản tính tốt đẹp ban đầu, là bản tính trời sinh, như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.
 
6. Nếu một người vợ mà vừa hung bạo, quản người chồng, “chèn ép” người chồng, lời nói tựa như “tiếng sét đánh”, “một tay che trời” được gọi là “hãn phụ” tức là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Một người phụ nữ như thế này sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa già đã yếu”, thậm chí sinh ra người con cũng không có ích cho xã hội.
 
7. Người vợ mà không làm việc gì, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ được gọi là “nhược phụ” (người phụ nữ yếu kém). Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình.
 
8. Người vợ là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho gia đình. Họ đối xử bình đẳng với mọi người, ôn hòa và là phúc khí của gia đình.
 
9. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không, thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng yếu. Người phụ nữ có thể dưỡng tính như nước thì nhất định sẽ sinh được quý tử, giúp chồng thành đức, gia đình viên mãn.
 
Quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ngày nay gánh vác chức vị có thể nói là ngang với nam giới. Nhưng dù là thời nào thì một người phụ nữ hiểu đạo vẫn luôn được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.
 

Người vợ tốt là cái phúc của người chồng

 
Thời xưa con người phi thường coi trọng hiếu đạo, ai ai đều xem trọng và tôn kính những người hiếu thảo. Ngoài con trai, con gái hiếu thảo với cha mẹ đẻ ra thì con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng cũng được trời, đất và mọi người kính trọng.
 
Thời cổ đại có lưu truyền một câu chuyện cảm động lòng người như thế này:
 
Khương Thi là người vùng Quảng Hán, Tứ Xuyên, thời đại Đông Hán. Đến tuổi trưởng thành, Khương Thi lấy cô gái tên là Bàng Tam Xuân làm vợ. Vợ chồng Khương Thi và Bàng Tam Xuân phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận.
 
Mẹ chồng Tam Xuân rất thích uống nước sông vì thế, cô thường đi đến một nhánh sông lớn cách nhà hơn bảy dặm để lấy nước về nấu cho mẹ chồng uống. Mẹ chồng cô cũng rất thích ăn cá chép. Vì vậy, hai vợ chồng Khương Thi thường đi bắt cá chép về hầm cho mẹ ăn.
 
Về sau này bởi vì người cô chồng gây xích mích nên giữa hai vợ chồng Khương Thi và Tam Xuân phát sinh sự hiểu lầm lẫn nhau. Khương Thi nghe lời mẹ đuổi vợ về nhà mẹ đẻ của cô. Mặc dù Tam Xuân bị đuổi về nhà mẹ đẻ nhưng trong lòng cô không hề oán giận hay trách móc chồng và mẹ chồng.
 
Hàng ngày Tam Xuân sống trong gian nhà tranh nhỏ, không quản ngày đêm dệt vải rồi mang bán lấy tiền. Bán được tiền rồi, cô lại mua gạo, mua thịt rồi mang đến biếu mẹ chồng.
 
Con trai của vợ chồng Khương Thi lúc ấy mới bảy tuổi tên là Khương An nhưng rất hiểu chuyện. Cậu bé sợ rằng mẹ mình ở nhà tranh sẽ không đủ gạo để ăn nên mỗi ngày đi học cậu bé lại lấy một ít gạo cho vào túi và để ở một chỗ trong ngôi miếu thờ Thổ Địa trên đường. Sau một thời gian tích trữ được một túi gạo lớn, Khương An mang số gạo đó đến thăm người mẹ đang bị oan khuất của mình.
 
Lúc Khương An mang gạo đến cho mẹ, Tam Xuân bốc một nắm gạo lên xem thì phát hiện gạo có màu sắc, kích cỡ khác nhau. Cô lập tức hỏi con trai mình: “Khương An, số gạo này là con lấy từ đâu?”
 
Cậu bé thấy mẹ hỏi vậy đành phải bẩm báo thật. Tam Xuân nghe con trai kể xong, liền ôm lấy cậu bé vào lòng và hai mẹ con họ cùng khóc nức nở một hồi.
 
Về sau, chồng và mẹ chồng của Tam Xuân hiểu ra cô bị oan khuất nên đã đón cô về nhà. Ngay sau ngày cô trở về nhà chồng, trong vườn nhà họ bỗng nhiên có một dòng suối phun trào ra. Hương vị của nguồn nước cũng khác với nước sông.
 
Hơn nữa, thỉnh thoảng lại có một, hai con cá chép từ trong nguồn nước ấy nhảy ra. Từ đó về sau, Tam Xuân dùng nguồn nước này để nấu cho mẹ chồng uống mà không cần phải đi ra bờ sông xa hơn bảy dặm để lấy nước như trước đây nữa.
 
Sau này, quân khởi nghĩa Xích Mi thời Đông Hán khi đi ngang qua nơi đây, người thủ lĩnh biết được chuyện Tam Xuân hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng mẹ chồng nên đã lập tức xuống ngựa, truyền lệnh ba quân lặng lẽ hành quân, tránh quấy nhiễu đến sự bình yên của nơi đây.
 
Cũng từ đó trở đi, mỗi lần quan lại đi qua nơi đây đều thi hành lễ, quan văn thì hạ kiệu, quan võ thì xuống ngựa, dần dần trở thành truyền thống. Lòng hiếu thảo của Tam Xuân đối với mẹ chồng thật sự làm cảm động trời đất và lòng người.
 
Các bậc thánh hiền xưa đều giảng rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự thịnh suy của một quốc gia. Trong cuốn sách nổi tiếng “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng”.
 
Trong “Kinh Lễ” cũng viết: “Các gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt”. Mà một gia đình có hòa thuận, hưng thịnh hay không thì vai trò của người vợ là rất quan trọng. Vì vậy, từ xưa đến nay dù trong gia đình hay ngoài xã hội, thì một người vợ tốt, người con dâu hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và kính trọng.

Theo Tinhhoa

Bài khác

Bài viết mới