4 sai lầm tai hại đang kìm hãm sự thăng tiến của bạn
Nếu bạn thực sự mong muốn và nghiêm túc chuẩn bị để nắm bắt cơ hội thăng tiến thì hãy sắp xếp và dành thời gian cho những việc cần làm một cách phù hợp.
Để có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, bạn nhất định phải chăm chỉ làm việc. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự chăm chỉ và tận tụy thôi thì chưa đủ. Không ngừng học hỏi và nâng cao giá trị bản thân cũng là một điều rất quan trọng. Và chắc chắn bạn cũng nên xây dựng mối quan hệ tốt với những người đóng vai trò ra quyết định. Nếu bạn thực sự mong muốn và nghiêm túc chuẩn bị để nắm bắt cơ hội thăng tiến thì hãy sắp xếp và dành thời gian cho những việc cần làm một cách phù hợp.
Mặt khác, tư duy về việc thăng tiến cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công. Nếu bạn có những sự lầm tưởng "tự đánh bại" bản thân thì không có nỗ lực nào có thể đưa bạn đến nơi bạn muốn. Do đó, để được thăng tiến, bạn phải có những suy nghĩ đúng đắn. Hãy từ bỏ những sự lầm tưởng tai hại đang kìm hãm và đe dọa cơ hội thăng tiến của bạn dưới đây.
1. Kết quả là tất cả: Ai có "thành tích" tốt nhất, người đó được thăng tiến
Để có được một sự thăng tiến, bạn thường phải chứng minh được kết quả làm việc của bạn thực sự xuất sắc, vượt mong đợi và kì vọng của cấp trên. Chính suy nghĩ này khiến hầu hết chúng ta lầm tưởng rằng kết quả công việc là yếu tố quyết định duy nhất của sự thăng tiến. Những người khát khao thăng tiến luôn cố gắng làm việc "quên ăn quên ngủ" để có thành tích tốt. Nhưng cuối cùng họ lại vô cùng thất vọng vì cơ hội đó không dành cho họ.
Sự thật là, trong thế giới kinh doanh hiện nay, kết quả công việc không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thăng tiến. Rất nhiều công ty đưa ra quyết định thăng tiến dựa trên việc xem xét hiệu suất, kỹ năng lãnh đạo và tiềm năng của bạn. Do đó, ngoài việc chỉ cố gắng để có kết quả công việc tốt nhất, bạn cần suy nghĩ xem những kiến thức và kỹ năng của bạn có, tinh thần và thái độ của bạn có đáp ứng được các yêu cầu của vị trí bạn đang hướng tới hay không.
2. Sếp toàn quyền quyết định sự thăng tiến: Được sếp "quý mến" sẽ được lên chức
Sếp biết những điểm tốt và rất quý bạn. Đó là một điều thuận lợi nhưng nó không thể đảm bảo chắc chắn bạn sẽ được "lên chức" bởi sự thăng tiến không phụ thuộc hoàn toàn vào sếp của bạn. Khi xem xét và cân nhắc việc thăng chức, chắc chắn sếp của bạn cần có sự hỗ trợ của các bộ phận, phòng ban. Để được lên chức, năng lực của bạn phải được công nhận và bạn cũng cần sự ủng hộ từ mọi người, bao gồm cả những người thân thiết với bạn, những người đồng nghiệp bình thường và cả những người đồng nghiệp bạn "không quen biết".
Vì vậy, thay vì dồn hết năng lượng của mình vào việc làm hài lòng sếp, hãy tiếp cận và phát triển mối quan hệ với những người ra quyết định trong công ty của bạn. Điều đó có nghĩa là hãy mạnh dạn phát biểu và tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, ngay cả khi bạn là "đàn em" nhỏ nhất. Bạn không cần ép mình phải đưa ra một phân tích chuyên sâu, nhưng bạn nên nghiêm túc, tập trung vào các nội dung thảo luân và đưa ra ý kiến của mình. Sẽ không ai nhớ đến bạn nếu bạn không nói gì. Do đó, nếu chỉ im lặng lắng nghe, bạn sẽ tự biến mình trở nên "vô hình".
3. Kỹ năng công nghệ là số 1: Chỉ cần mạnh về công nghệ, sự thăng tiến chắc chắn trong tầm tay
Nếu bạn nghĩ rằng kĩ năng công nghệ là điểm nhấn giúp bạn vượt trội hơn so với những người khác trong "cuộc đua thăng chức" thì điều này thật sai lầm. Trong thời đại ngày nay, các kỹ năng về công nghệ gần như là sự bắt buộc khi bạn tham gia vào thị trường lao động. Sự sáng tạo, sự hiểu biết và khả năng kết nối mọi người cũng là những điều vô cùng cần thiết. Và dường như đây mới là điểm nhấn giúp bạn chứng minh năng lực và nâng cao giá trị bản thân. Những kỹ năng công nghệ rất dễ học nhưng kỹ năng lãnh đạo thì khó hơn nhiều. Chính bởi vậy, những tín đồ công nghệ "biết lãnh đạo" mới chính là những người được tìm kiếm.
Nhiều năm trước, nếu như bạn có kỹ năng công nghệ tốt hơn mọi người thì chắc chắn cơ hội thăng tiến và con đường sự nghiệp của bạn sẽ rất rộng mở. Nhưng ngày nay, điều này không đủ sức giúp bạn "tiến xa hơn".
4. "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn": Ngoại hình không quan trọng
Trong xã hội hiện nay, ngoại hình ngày càng trở nên quan trọng trong mọi lĩnh vực ngành nghề. Do đó, việc đánh giá thấp vai trò của ngoại hình là một sai lầm tai hại và nó có thể lấy đi của bạn rất nhiều cơ hội tốt trong công việc và cuộc sống. Dù muốn hay không thì bạn cũng cần đảm bảo rằng vẻ ngoài của mình phù hợp với công việc bạn đang làm và văn hóa của công ty.
Một số nghiên cứu đã cho thấy: quần áo bạn mặc cũng có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến năng suất. Nó có thể ảnh hưởng một cách có hệ thống đến quá trình tâm lý của người mặc. Do đó, đừng "vô tâm" với ngoại hình của chính mình khi một vẻ ngoài xinh đẹp, thu hút có thể khiến bạn trở nên tự tin hơn và thành công hơn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.
Theo Cafebiz