5 thủ phạm khiến bạn mất tự tin

Mọi người thường tìm kiếm cách để tự tin, nhưng ít ai biết rằng có những hành động của mình đang vô tình làm mất đi điều đó. Dưới đây là 5 lý do giấu mặt mà bạn nhất định phải từ bỏ nếu muốn mình tự tin hơn.


Muốn mọi người công nhận mình

 
Người tự tin thật sự là người không hề quan tâm tới việc làm hài lòng tất cả những người mà họ gặp. Đơn giản vì họ hiểu và chấp nhận sự thật rằng, không phải ai cũng có cùng ý kiến với mình. Thay vào đó, họ chú trọng vào việc xây dựng những mối quan hệ chất lượng với những người họ tôn trọng và yêu quý. Họ coi điều đó quan trọng hơn là đi lòng vòng và nịnh nọt cả thế giới.
 
Đừng để ý kiến số đông (hay ý kiến của những người không quan trọng) xác định giá trị con người bạn. Đừng để họ bảo bạn có thể – hay không thể làm được gì. Điều đó có thể khiến những người quanh bạn bực bội, tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua khao khát muốn gây ấn tượng với tất cả mọi người, bạn sẽ bắt đầu gây được ấn tượng với những người thực sự có ảnh hưởng tới tương lai bạn. Khi được những người quan trọng ấy thấu hiểu, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều.
 

Chú trọng vào khó khăn hơn hướng giải quyết
 

Cuộc đời vốn dĩ tràn ngập những chướng ngại. Tất cả mọi thứ – từ học lái xe cho đến gầy dựng công ty, đều toàn là khó khăn. Mỗi một khó khăn lại là một cơ hội để con người phát triển. Sự phát triển bản thân một cách kiên định và nhất quán ấy chính là thứ khơi nguồn tự tin và khiến chúng tồn tại. Tuy nhiên, khó khăn cũng thường làm ta hoang mang và lo lắng, vì bản thân thường hay tưởng tượng ra những kết quả tồi tệ nhất. Điều đấy khiến ta hoảng loạn. Ví dụ thế này, khi gặp vấn đề  trong tình cảm, vài người lại ngay lập tức cho rằng người yêu đã hết hứng thú với mình. Buồn thay đây thường là sự tiên tri khá chính xác.
 
Bạn được quyền chọn lựa. Bạn có thể chọn tập trung mọi sự chú ý vào khó khăn thử thách – mà thường chẳng đưa bạn đến đâu. Hoặc cũng có thể chọn cách tìm hiểu vấn đề và nhanh chóng đưa ra hướng giải quyết.
 
Những người tự tin thường dành phần nhiều thời gian tập trung tìm hướng giải quyết. Họ không tự hành hạ bản thân với những suy nghĩ tiêu cực ví như người yêu đang dần xa lánh họ và  rằng chuyện tình cảm của mình coi như là xong phim rồi. Thay vào đó, họ hành động. Họ đi trên con đường mà họ muốn, thậm chí ngay cả khi họ chưa sắp xếp được kế hoạch một cách toàn diện.
 

Chìm đắm vào những kịch tính vô nghĩa
 

Ai cũng yêu thích một chút kịch tính. Chính sự kịch tính ấy mới khiến phim ảnh và chương trình giải trí hấp dẫn đến thế. Chúng ta bị thu hút và thông qua đó nhận thức rõ giá trị bản thân. Tuy nhiên, có người lại bị “nghiện” kịch tính, đến mức họ cố tình tạo ra kịch tính cho chính mình – hòng khơi gợi phấn khích. Bạn không nên hùa theo sự truyền bá của họ và chịu đựng những kịch tính vô nghĩa, vì chúng có thể khiến bạn bị stress. Và stress chính là một trong những hung thủ giết chết sự tự tin. Vậy nên, hãy tránh xa kịch tính của người khác, cũng đừng cố tạo nên kịch tính không cần thiết cho bản thân.
 
Thử tưởng tượng, bạn dành tất cả thời gian và năng lượng hướng tới những giả thiết tươi sáng, những cách giải quyết vấn đề. Nếu vậy thì cuộc sống sẽ hạnh phúc tới mức nào chứ? Thay vì giận dữ, hãy hiếu kỳ. Thay vì bực bội, hãy vui vẻ. Thay thế cảm giác ghen tị bằng ngưỡng mộ. Đừng tiêu tốn thời gian quý giá của bạn vào những cảm xúc tiêu cực.
 
Thay vào đó, hãy cầu nguyện, trân trọng những người có ý nghĩa với bạn, quên đi thù hằn, đạp trên những kịch tính nhỏ nhen với cái đầu ngẩng cao kiêu hãnh. Tập trung vào việc tạo nên một cuộc đời tốt đẹp hơn, cho bạn và cho cả người khác.
 

Coi thất bại là tấm gương phản chiếu giá trị của bản thân
 

Có một điều chắc chắn rằng, người thành công khác với người thất bại ở cách nhìn nhận thất bại.
 
Người thành công hiểu rằng thất bại chỉ đơn giản là một phần tất yếu của quá trình học hỏi. Một lần thất bại nghĩa là một lần họ nhận ra cách làm ấy là sai lầm, và cũng có nghĩa là họ đã tiến thêm một bước trong quá trình mày mò cách làm đúng. Đó là vấn đề về nhận thức. Ngược lại, người không thành công thường coi thất bại là lỗi lầm của bản thân. Đối với họ, thất bại là tấm gương phản chiếu giá trị bản thân. Hơn nữa, họ còn nghĩ rằng, thất bại cũng chứng minh rằng họ chỉ là một sản phẩm “thất bại”.
 
Thomas Edison, trước khi chế tạo bóng đèn thành công, đã thất bại khoảng 1.000 lần. Michael Jordan bị đá khỏi đội bóng rổ của trường, nhưng cũng chính là người đã thốt ra một câu kinh điển: “Tôi đã thất bại rất nhiều, rất nhiều, rất nhiều lần trong đời. Đó chính là lý do tôi thành công.”
 
Vì vậy, nếu bạn thất bại trong việc gì đó, trước khi trách móc và dằn vặt bản thân, hãy ngừng lại và nhớ rằng, thất bại chỉ là một phần của quá trình trưởng thành. Sự kiên định, nỗ lực và lạc quan rồi sẽ mang lại quả ngọt.
 

Chạy trốn khỏi những trải nghiệm mới
 

Thật đơn giản làm sao nếu cứ thực hiện theo một chu trình nhất định. Làm những thứ mình vẫn làm, xem những gì mình vẫn xem, ăn những gì mình vẫn ăn. Vâng, sự quen thuộc có thể khiến bạn dễ chịu, nhưng chính nó cũng có thể giết chết tự tin của bạn.
 
Giống như trong tự nhiên, không phát triển đồng nghĩa với cái chết. Hãy bước đi và khám phá. Gặp gỡ những người bạn mới. Làm những thứ khiến bạn sợ hãi. Chính những trải nghiệm tích cực đó giúp bạn luôn bừng nhiệt huyết, tràn đầy hứng khởi về tương lai mình.
 
Đơn giản, vì bạn sẽ cảm thấy mình thực sự sống, theo cách hoàn toàn mới (cũng như cảm thấy bạn đang mở rộng tài nguyên, kinh nghiệm và trí óc của mình), và tự tin của bạn cũng sẽ được tăng thêm từng ngày.

Theo Ohay

Bài khác

Bài viết mới