7 tật xấu lớn nhất của con người mà ai cũng dễ mắc phải

"Con người không ai là hoàn hảo", câu nói đó dường như luôn chực chờ sẵn trên môi chúng ta để ngụy biện cho những hành vi không hoàn hảo của mình.


Nếu con người đã ý thức được những khiếm khuyết của mình và nỗ lực vươn tới sự hoàn hảo thì lẽ ra họ đã bỏ được 7 tật xấu này rồi chứ? Hóa ra con người mãi không hoàn hảo là vì chúng ta chẳng chịu cố gắng đấy thôi. 
 

1. Ngồi lê đôi mách

 
Con người thích đánh giá và bàn luận, đơm đặt về người khác. Theo Robin Dunbar, nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford (Anh), mục tiêu của việc “buôn dưa lê” không phải là để tìm kiếm thông tin chính xác mà là để một nhóm người xích lại gần nhau, bất chấp việc đó có thể làm tổn thương đến đối tượng bị đem ra mổ xẻ. 
 

2. Đánh bạc

 
Máu “đỏ đen” một khi đã nhiễm phải thì khó lòng dứt ra được. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Neuron, khi thắng bạc, não của con người bị kích thích để tiếp tục bài bạc. Con bạc thường cho rằng việc suýt thắng là sự kiện đặc biệt, khuyến khích họ tiếp tục đánh bạc. Não người bị kích thích bởi việc suýt thắng giống như khi thắng bạc, dù rằng hai thứ đó khác nhau hoàn toàn. Khi thua, người ta trở nên say sưa hơn và quên hết những tính toán hợp lý, kỹ lưỡng trước khi bước vào canh bạc.
 

3. Làm quá nhiều

 
Căng thẳng thần kinh có thể khiến con người suy nhược, chán nản, thậm chí dẫn đến tự tử. Môi trường làm việc hiện đại gây căng thẳng cho rất nhiều người. Nhiều người phải làm thêm giờ mà không được trả thêm tiền. Rất nhiều người về  nhà vẫn làm việc. Sự thịnh vượng của smartphone và wifi khiến ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi mờ dần đi. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên ăn uống điều độ, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ngủ 8 tiếng mỗi đêm để giúp loại bỏ những căng thẳng trong công việc.
 

4. Ức hiếp người khác

 
Một nghiên cứu cho thấy 30% nhân viên văn phòng ở Mỹ bị sếp hay đồng nghiệp ức hiếp, thể hiện qua việc giấu thông tin quan trọng khiến nhiệm vụ khó hoàn thành, tung tin đồn nhảm, cố tình sỉ nhục... Ở các trường học cũng không thiếu chuyện học sinh bắt nạt, đánh bạn bè. Sự phát triển của mạng xã hội còn tạo điều kiện cho người ta thoải mái dùng bàn phím để thóa mạ, sỉ vả, khiến người khác mất tinh thần, rơi vào trầm cảm...
 

5. Nói không thật

 
Không ai lý giải thỏa đáng tại sao con người nói dối nhiều thế. “Nói dối liên quan tới lòng tự trọng. Khi nào con người cảm thấy lòng tự trọng của mình bị đe dọa thì họ ngay lập tức nói dối để giữ sĩ diện”, nhà tâm lý học Robert Feldman ở ĐH Massachusetts (Mỹ), nói. Feldman đã tiến hành nghiên cứu tần suất nói dối của một số người, trong đó 60% số người được khảo sát nói dối ít nhất một lần trong cuộc nói chuyện kéo dài 10 phút. Theo nhiều nhà nghiên cứu, một câu nói dối thường dài hơn câu nói thật 30%. Huyễn hoặc về cuộc sống thật của mình cũng là một hình thức nói dối.
 

6. Lừa dối

 
Theo một vài nghiên cứu, những người đề cao các quy tắc đạo đức thường bị lừa dối nhiều nhất. Những kẻ dối trá nhất lại thường tỏ ra có đạo đức nhất, và biện minh rằng dối trá là hành động có thể chấp nhận được trong một số tình huống nhất định. Nhiều người ngoại tình nhưng không hề thấy có lỗi. Những nhà quảng cáo vì lợi nhuận của mình cũng trở thành bậc thầy lừa dối. Những người bán hàng có lẽ ngày nào cũng nói dối.
 

7. Giữ mãi thói quen xấu

 
Có lẽ tất cả các điều trên vẫn dễ giải quyết hơn việc từ bỏ thói quen xấu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều người đã nhận thức được mối nguy hại của những thói quen xấu nhưng vẫn không bỏ được. Họ thường viện lý lẽ cho thói quen xấu của mình, ví dụ như “Nó đã làm hại tôi đâu”, “Ba tôi hút thuốc cả đời mà vẫn sống đến 90 tuổi đấy thôi”...
 
 

Theo Cafebiz

Bài khác

Bài viết mới