Hãy để nỗi thất bại là một dấu son trên con đường thành công
Thành công và thất bại, hai khía cạnh tưởng chừng đối lập nhưng lại luôn song hành cùng với nhau. Biết vươn lên sau thất bại chính là một loại thành công, còn sau khi thành công mà dễ dàng buông bỏ thì đó chính là thất bại. Bởi thế, hãy luyện cho mình cách nghĩ về sự thất bại như những dấu mốc của thành công.
1. Đánh giá giá trị của sự thất bại
Đừng bao giờ nghĩ mình có thể thành công mà không phải trải qua thất bại. Hãy luyện cho mình cách nghĩ về sự thất bại như những dấu mốc của thành công.
Cứ mỗi lần vấp ngã, bạn sẽ lại tiến một bước dài trên con đường khai thác tiềm năng. Thất bại còn có một giá trị khác nữa, đó là khả năng làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Bởi thế đừng bao giờ sợ thất bại. Bạn sẽ không bao giờ đến gần được chiến thắng nếu không trải qua một lần thất bại. Cứ mỗi lần vấp ngã hay gặp thất bại, hãy nhớ một điều, bạn đang tiến gần hơn tới nguồn tiềm năng và ước mơ của mình. Hãy học cách đứng lên từ những lần thất bại.
2. Đừng để thất bại làm bạn mất niềm tin
Hầu hết mọi người đều không biết cách đứng dậy sau những lần thất bại bởi họ đã mất niềm tin ở bản thân. Có sự khác biệt rất lớn nếu ai đó nói: “Tôi đã thất bại” thay vì “Tôi là kẻ thất bại”. Người gặp thất bại sẽ luôn biết cách rút ra những bài học từ sự thất bại của mình và luôn tiến lên phía trước. Thất bại không làm thay đổi ý chí của người đó. Ngược lại, nếu ai đó tự nhận “mình là kẻ thất bại” thì người đó sẽ không có hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Nếu bạn hay nghi ngờ về năng lực của mình mỗi khi gặp thất bại thì đã đến lúc phải dừng ngay việc đó lại. Việc phạm sai lầm cũng như việc hít thở vậy, một khi bạn còn sống thì sẽ không bao giờ tránh khỏi sai lầm. Bởi vậy, hãy học cách sống chung với nó và luôn tiến lên phía trước.
3. Để sự thất bại chỉ lối cho bạn
Đôi khi sự thất bại sẽ báo hiệu cho bạn biết đã đến lúc cần phải thay đổi hướng đi. Nếu cứ tiếp tục đi tới, bạn sẽ đụng đầu vào tường. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc quay trở lại và tìm cho mình một lối ra. Nếu đi theo những ngã rẽ thì đó có thể là con đường chính. Cho dù thất bại liên tiếp, nhưng chỉ cần bạn giữ được ước mơ và niềm khao khát cháy bỏng thì hãy tiếp tục tiến lên.
Nếu liên tiếp gặp thất bại nhưng vẫn muốn đứng lên và tiếp tục, thì hãy để sự thất bại dẫn lối cho bạn. Khi các cánh cửa đóng lại trước mắt bạn, đừng bao giờ đứng mãi một nơi để băn khoăn rằng, tại sao bạn không thể mở được cánh cửa nào. Hãy nhìn xung quanh và tìm một cánh cửa đang mở khác. Có thể một cánh cửa nào đó đang mở ngay bên cạnh bạn mà bạn không nhận ra.
4. Luôn giữ sự hài hước
Khi gặp thất bại, hãy cười thật to. Khi mọi thứ suôn sẻ, thật dễ dàng để nở một nụ cười, nhưng khi mọi chuyện trở nên tồi tệ thì việc đó thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Không gì có thể cải thiện sức khỏe tốt bằng nụ cười. Nó giúp bạn xua tan mệt mỏi và căng thẳng, đồng thời khiến những sai lầm của bạn nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Khi mắc phải sai lầm trong cuộc hành trình tìm kiếm thành công, hãy giữ thái độ vui tươi và lạc quan.
5. Đừng hỏi “tại ai” mà hãy hỏi “vì sao”
Khi thất bại, theo bản năng tự nhiên, chúng ta thường cố gắng đổ lỗi cho ai đó. Lần tới nếu bạn thất bại, đừng hỏi ai là người có lỗi mà hãy hỏi tại sao lại thất bại. Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan để có thể làm tốt hơn trong những lần tiếp theo. Để khai thác tiềm năng của mình, bạn cần phải không ngừng trau dồi bản thân, và bạn sẽ không thể làm được điều đó nếu không tự chịu trách nhiệm đối với những hành động và sai lầm do mình gây ra.
6. Biến thất bại thành bài học kinh nghiệm
Để thành công, hãy trau dồi khả năng học hỏi từ những sai lầm của mình. Sự thay đổi trong quá trình nhận thức sẽ là một ngã rẽ, làm bàn đạp giúp bạn khai thác tiềm năng của mình.
Tinh thần sẵn sàng học hỏi từ thất bại và khả năng vượt qua nó có mối liên kết không thể tách rời. Nếu ngừng học hỏi, bạn sẽ còn lặp đi lặp lại những sai lầm đã qua. Nhưng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi lần vấp ngã, bạn biết đứng dậy và rút ra những bài học quý.
7. Đừng để sự thất bại làm bạn sụp đổ
Khi tham gia vào cuộc hành trình tìm kiếm thành công, chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Bạn sẽ bỏ cuộc và tiếp tục gục ngã, đắm chìm trong những thất bại hay là bạn sẽ đứng lên bằng chính đôi chân của mình với thời gian nhanh nhất có thể. Nhiều người không làm được như vậy. Họ gục ngã quá lâu đến nỗi họ cảm thấy, cứ nằm đó và gục ngã còn thoải mái hơn là phải đứng dậy.
Khi vấp ngã, hãy cố gắng đứng lên bằng sức mạnh của chính đôi chân mình. Hãy học hỏi từ những sai lầm đã trải qua và mau chóng quay trở lại cuộc hành trình.
8. Thất bại là thước đo của sự phát triển
Hầu hết mọi người khi đánh giá thành công thường đánh giá bằng cách xem ai ít bị thất bại nhất. Nhưng những người thành công nhất thì cũng trung bình thất bại tới bảy lần trước khi thành công. Bạn thấy đấy, nếu càng cố gắng, bạn sẽ càng thu được các bài học quý báu từ sự thất bại và càng trở nên thành công.
Mỗi lần vấp ngã hãy nhìn nhận lại sự tiến bộ của mình. Đừng nản chí vì có thể sau nhiều lần thất bại, thành công có thể đến với bạn ngay sau đó. Nó tạo nên sự phát triển và tiến bộ. Đó chính là ý nghĩa của việc đứng lên sau những thất bại và tránh được những ngã rẽ không cần thiết.
9. Hy vọng vào một tương lai tươi sáng
Điều giúp bạn đối mặt với thất bại tốt hơn là nhìn vào viễn cảnh trước mắt. Khi đấu tranh với sự thất bại, hãy luôn nghĩ tới một tương lai tươi sáng. Tất cả chúng ta đều có những sai lầm nhưng quan trọng là chúng ta biết cách vượt qua chúng.
10. Đừng từ bỏ
Thất bại là dấu hiệu báo cho bạn biết cần phải khám phá các cơ hội khác. Điều này có lúc đúng nhưng hầu hết thành công là kết quả của sự kiên cường. Hầu hết những người thành công nổi tiếng đều đã từng phải đối mặt với những chướng ngại vật trước khi trở thành người chiến thắng. Họ chiến thắng bởi họ đã không để những thất bại làm họ chùn bước và mất đi dũng khí. Ai cũng dễ dàng bị thất bại nhưng giá trị của thành công chính là ở sự kiên trì.
Theo “Cách tư duy khác về thành công”