Nâng cao EQ - rút ngắn đường đến thành công
Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nghiên cứu đo lường chỉ số thông minh của con người đã được thực hiện, và từ những nghiên cứu này đã cho ra những bài kiểm tra để đánh giá chỉ số thông minh (Intelligence Quotient - IQ).
Vào thời đó, người ta dùng IQ làm thước đo để phân biệt những người trung bình và những người xuất sắc. Các doanh nghiệp cũng dùng phương pháp này để tuyển chọn những cá nhân vào những vị trí quan trọng.
Nhưng sau một thời gian áp dụng IQ, người ta thấy rằng chỉ số này không phản ánh chính xác khả năng thành công của một người, bởi họ tìm thấy nhiều trường hợp có chỉ số IQ cao nhưng lại không thành công, và ngược lại. Từ đó, người ta bắt đầu nghiên cứu ra một loại chỉ số mới để đánh giá khả năng thành công của một người chính xác hơn, đó chính là “ trí tuệ cảm xúc” (Emotional Intelligence Quotient - EQ).
Giáo sư E.L. Thorndike, giảng dạy tại trường Đại học Columbia, là người đầu tiên đặt tên cho các kỹ năng trí tuệ cảm xúc, và đến năm 1980 chính thức có tên gọi là trí tuệ cảm xúc.
Nhiều công trình nghiên cứu được tiến hành ở Đại học Yale để tìm mối liên hệ giữa trí tuệ cảm xúc với các thành tựu cá nhân, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai người có cùng một chỉ số IQ nhưng lại đạt được những mức độ thành công khác xa nhau, và họ chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa IQ và EQ, nghĩa là không thể dùng IQ để đoán EQ của một người và ngược lại.
Trí tuệ cảm xúc là kết quả của hai dạng năng lực chính: năng lực cá nhân và năng lực xã hội. Năng lực cá nhân bao gồm: nhận thức về bản thân và làm chủ bản thân. Năng lực xã hội tập trung vào cách thức bạn ứng xử với người khác và bao gồm nhận thức về xã hội và làm chủ các mối quan hệ. Một điều may mắn là những nghiên cứu chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc có thể nâng cao nhờ việc học và rèn luyện.
EQ ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe ra sao?
Những nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc chỉ ra rằng chỉ có khoảng 36% số người được khảo sát có khả năng nhận diện chính xác những cảm xúc đang diễn ra trong lòng mình. Nghĩa là hai phần ba còn lại thường bị cảm xúc chi phối và không có kỹ năng làm chủ cảm xúc.
Trong trường học đa phần tập trung dạy kiến thức và kỹ năng chuyên môn mà hầu như không có khóa học nào dạy kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Trong khi trong cuộc sống con người thường xuyên phải đưa ra những quyết định đỏi hỏi phải có kỹ năng kiểm soát cảm xúc để có quyết định đúng.
Căng thẳng và mâu thuẫn giữa các cá nhân là bằng chứng rõ ràng của việc không hiểu và không kiểm soát được cảm xúc. Mâu thuẫn trong cuộc sống và công việc có khuynh hướng tồi tệ hơn khi chúng ta thụ động né tránh các vấn đề hoặc quá đối đầu khiến chuyện bé xé ra to, hậu quả là anh em mâu thuẫn nhau, vợ chồng ly dị, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, mất tình bạn, mâu thuẫn với hàng xóm, đồng nghiệp…
Trong cuộc sống, khi bạn thấu hiểu và kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn có thể dễ dàng vượt qua những khó khăn trước mắt và tránh những điều tương tự trong tương lai, bạn giải quyết những mâu thuẫn một cách dễ dàng. Ngược lại nếu bạn kìm nén và trấn áp cảm xúc của mình, chúng sẽ nhanh chóng tích tụ lại thành những cảm giác khó chịu của sự căng thẳng, lo âu và giận dữ. Từ những cảm giác này sẽ dẫn đến những hành động mất kiểm soát và đem đến những hậu quả không tốt. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự đè nén cảm xúc. Sự căng thẳng, lo âu và tuyệt vọng kìm hãm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị dịch bệnh tấn công, đồng thời ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch, và làm tăng khả năng tự tử.
Trí tuệ cảm xúc có ảnh hưởng đến hiệu quả công việc không? Câu trả lời là rất lớn!
Trong quyển sách Emotional Intelligence Quickbook của tác giả Travis Bradberry & Jean greaves có viết: “Trong những nhân viên văn phòng được nghiên cứu thì có 90% số người có thành tích cao cũng là những người có chỉ số EQ cao. Phát hiện này đúng với tất cả mọi người, thuộc mọi lĩnh mực, mọi vị trí, thuộc mọi quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Nghiên cứu cũng chưa tìm ra công việc nào mà hiệu suất công việc không gắn liền với trí tuệ cảm xúc. Chính vì vậy mà ngày nay có rất nhiều tập đoàn và công ty trên thế giới dùng những bài kiểm tra EQ để tuyển chọn nhân sự”.
Rèn luyện nâng cao EQ
Như đã nói, bạn hoàn toàn có thể học hỏi và rèn luyện để nâng cao chỉ số EQ. Tuy nhiên quá trình này đòi hỏi sự kiên trì và sau một thời gian vài tháng bạn mới bắt đầu thấy được sự thay đổi đáng kể.
Trở ngại lớn nhất của việc nâng cao năng lực cá nhân chính là khuynh hướng né tránh cảm giác khó chịu xuất phát trong quá trình nâng cao khả năng tự nhận thức. Cách duy nhất để thay đổi chính là đối diện với những cảm giác khiến bạn khó chịu. Thay vì né tránh một cảm xúc nào đó, mục tiêu của bạn nên là: tiếp cận nó, đón nhận nó và cuối cùng là vượt qua nó. Điều này cũng đúng với cả những cảm xúc hơi khó chịu như buồn chán, hoang mang, hoặc nghi ngại.
Để cải thiện chỉ số EQ bạn cần tập trung vào hai yếu tố sau:
1. Nâng cao năng lực cá nhân nhằm cải thiện cách bạn hiểu và kiểm soát bản thân. Để làm điều này bạn cần học cách đối diện với những cảm giác khó chịu, và làm chủ khuynh hướng của bạn.
2. Nâng cao năng lực xã hội thông qua việc học cách biết lắng nghe người khác nói, và biết cách nói để người khác lắng nghe.
Việc nâng cao năng lực của hai yếu tố trên có sự bổ trợ cho nhau, khi năng lực cá nhân được cải thiện thì tự khắc năng lực xã hội cũng tăng lên và ngược lại.
Khi trí tuệ cảm xúc của bạn được nâng cao, con người bạn sẽ như ở một bậc cao hơn trên chiếc thang của cuộc sống. Đối với những nhà quản lý doanh nghiệp, việc nâng cao trí tuệ cảm xúc là cần thiết, vì nó sẽ giúp họ có được sự tương tác và tạo ra những mối quan hệ với cấp dưới, đồng nghiệp, cấp trên và cả với khách hàng cũng như đối tác được hiệu quả hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc. Trong cuộc sống gia đình bạn sẽ thấu hiểu những người thân của mình từ đó có được những mối quan hệ tốt hơn giúp gia đình hạnh phúc hơn, bạn được những người xung quanh bạn yêu quí và tin tưởng hơn.
Sưu tầm