Vì sao nhiều người Việt sợ Tết nguyên đán?

Người nghèo thì lo không có tiền sắm Tết. Người giàu thì phải lo lễ nghĩa, quà cáp. Nhiều hoạt động trở nên rệu rã, ngưng trệ.

 Hối hả, bận trăm thứ việc, mệt mỏi, cáu kỉnh, bực dọc… là những từ rất dễ tìm để nói về những ngày giáp Tết. Còn sau Tết lại là một chuỗi ngày rất nhiều người nhởn nhơ không đoái hoài thời cuộc, thế sự, công việc.
 
Sau hàng loạt những bức bối, phiền toái trong những ngày trước và sau Tết cổ truyền mang lại, mấy năm gần đây, nhiều người đã bàn đến việc “chập” tết âm lịch và dương lịch thành một. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải không ít ý kiến phản đối. Bởi đây là một truyền thống của dân tộc. Nếu cội nguồn truyền thống của mình mà không giữ được thì sao dám trông mong phát triển những thứ lớn lao hơn?!
 
Tết mang lại cho mỗi người một cảm xúc nhưng không ai đứng ngoài “guồng” lo toan, tất bật, may chăng chỉ có đám trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn là vô lo, vô nghĩ mà thôi.
 
Tết với những người có thu nhập trung bình, khá và cao thì không có gì phải quá lo lắng, có lo thì chỉ đơn giản là việc biếu xén quà cáp, là dịp để cảm ơn, bày tỏ lòng tri ân với một ai đó hoặc là cơ hội để thể hiện sự mong muốn trong công danh, sự nghiệp với một người có quyền chức cao hơn.
 
Trước Tết, Thủ tướng ra chỉ thị cấm biếu xén, quà cáp dịp Tết. Một số cơ quan ở Trung ương cũng treo biển không tiếp khách. Thế nhưng, có ai dám đảm bảo, năm nay người ta ít đi lễ tết hơn? Bởi, bằng chứng dễ thấy nhất là những ngày này, giao thông ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn thực sự là nỗi kinh hoàng. Chưa kể, năng lực vận tải yếu kém đã khiến không ít người chịu cảnh "hành xác" trên những chuyến xe về quê ăn Tết.
 
Còn với công nhân, người lao động nghèo – một lực lượng chiếm đa số trong xã hội, thì Tết đem đến đầu tiên là sự lo âu, rối bời. Nhiều người chỉ mong sao Tết có đủ tiền mua cho con manh áo mới, sắm một cái tết giản dị ấm cúng; hoặc có người chỉ mong dành đủ tiền để mua cặp vé về quê thăm cha mẹ.
 
Người Việt có thói quen dành rất nhiều thứ đến Tết mới ăn hay đến Tết mới làm. Điều này đã khiến cái Tết trở nên nặng nề, bận rộn hơn bất cứ tháng ngày nào trong năm.
 
Bỏ hay giữ tết cổ truyền đều không phải là yếu tố quyết định đất nước ta giàu mạnh hay nghèo đói. Điều quan trọng là cách ứng xử của chúng ta với Tết như thế nào cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh. Rõ ràng, ở nhiều nơi, nhiều lúc việc ăn tết, chơi tết còn xa hoa, lãng phí. Đặc biệt, việc quá sa đà với Tết đã khiến nhiều người quên đi phần nhiệm vụ của mình, hoặc rất khó bắt nhịp trở lại với công việc thường ngày. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân cảm thấy sợ Tết, mỗi người sợ theo cảm nhận của riêng mình./.

Theo 24h

Bài khác

Bài viết mới