Những thói quen hàng ngày làm tăng nguy cơ mất trí nhớ của bạn

Các triệu chứng sa sút trí nhớ nghiêm trọng có thể dẫn tới bệnh Alzheimer. Tuổi tác và sự căng thẳng kéo dài là nguyên nhân chính tác động tới hệ thần kinh và giết chết các tế bào não. Tuy nhiên, nhiều thói quen hàng ngày cũng tác động không tốt tới não và có thể gây teo não, suy giảm trí nhớ.


1. Ăn uống tạm bợ

 
Ai cũng biết chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là điều cần thiết cho sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là với não bộ. Não cần những chất béo lành mạnh, protein, vitamin và khoáng chất để có thể hoạt động bình thường.
 
Nghiên cứu cho thấy, những người có chế độ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ cao hơn. Bạn nên đa dạng hóa thực đơn với các loại trái cây, rau quả, hạt và ngũ cốc. Thay thế bơ, dầu ăn bằng chất béo lành mạnh như dầu olive, hạn chế ăn thịt đỏ và bổ sung các nguồn protein lành mạnh từ cá và thực vật.
 
Ngoài ra, những người có thói quen bỏ bữa sáng sẽ thường xuyên gặp tình trạng đường huyết thấp, làm rối loạn cơ chế trao đổi chất của cơ thể. Khi não không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vào buổi sáng sẽ có nguy cơ lão hóa sớm hơn.
 

2. Phớt lờ các bệnh mãn tính

 
Huyết áp cao và đái tháo đường là hai trong số những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer.
 
"Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ cao hơn 73% so với người bình thường. Chứng huyết áp cao ở tuổi trung niên cũng làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, bệnh về tim và mạch máu", Tiến sĩ Fillit, giám đốc tổ chức Alzheimer's Drug Discovery Foundation (ADDF) giải thích.
 
Đối với cả 2 căn bệnh này, việc điều trị thường xuyên bằng thuốc, thực hiện chế độ ăn uống, tập thể dục có thể cải thiện đáng kể trong việc hạn chế tác động đối với trí nhớ.
 

3. Dùng đồ uống có cồn

 
Chắc chắn, chúng ta đều biết tác hại của đồ uống có cồn đối với sức khỏe như bệnh cao huyết áp, đột quỵ, bệnh gan và đặc biệt là chứng mất trí nhớ. Tiến sĩ Fillit nói: "Uống quá nhiều rượu có thể làm cho não bị teo và gây ra chứng mất trí nhớ sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối tương quan giữa việc sử dụng rượu kéo dài và các triệu chứng suy giảm nhận thức".
 

3. Hút thuốc lá

 
Trong thuốc lá có chứa hơn 4.700 hợp chất hóa học, trong đó một số chất có độc tính cao. Các nghiên cứu đều chỉ ra, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các chứng mất trí và 79% khả năng mắc bệnh Alzheimer. Do đó, hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt.
 

4. Lười vận động

 
Hơn 1 triệu ca bệnh Alzheimer tại Mỹ có nguyên nhân liên quan đến việc lười vận động và rất ít khi tập thể dục. Gần 1/3 người Mỹ hầu như không có hoạt động về thể chất hàng ngày. Bằng chứng khoa học cho thấy việc tập thể dục đem lại lợi ích cho não và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.
 
Thường xuyên tập thể dục có lợi cho tim, cơ và cả não của bạn. Tổ chức WHO khuyến cáo, người lớn phải tập thể dục với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, tương đương với 30 phút mỗi ngày.
 

5. Lười suy nghĩ

 
Cũng như việc luyện tập cơ thể, trí não cũng cần được rèn luyện. Việc tham gia các trò chơi giải đố, ghép chữ, cờ vua, cờ tướng giữ cho trí não được vận động liên tục. Điều này làm tăng cường việc sản xuất tế bào não và hình thành các mối liên kết thần kinh đáng kể", theo giám đốc Heather Snyder, người điều hành hoạt động khoa học của Hiệp hội bệnh Alzheimer.
 

6. Sống cô độc

 
Theo Tiến sĩ Fillit, những người cô đơn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp đôi. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở bệnh viện Phụ nữ Brigham cũng từng công bố một nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa cảm giác cô đơn, cô lập với xã hội và sự hình thành beta-amyloid - một loại protein trong não, liên quan đến bệnh Alzheimer.
 
Vì thế, ngay cả khi là một người thích ở một mình, bạn cũng nên nỗ lực nhiều hơn khi theo đuổi các hoạt động xã hội như tham gia một câu lạc bộ sách, làm tình nguyện hay các hoạt động thể thao cộng đồng.
 

7. Không ngủ đủ giấc

 
Nghiên cứu của tạp chí Alzheimer's & Dementia đối với 7.500 phụ nữ cho thấy, những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ tới 36%. Một nghiên cứu khác ước tính 15% các ca bệnh Alzheimer liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ. Để khắc phục, tiến sĩ Fillit gợi ý bạn nên điều chỉnh thói quen để có thể ngủ đủ giấc và điều trị sớm các chứng rối loạn giấc ngủ.
 

8. Ngủ quá nhiều

 
Cũng theo nghiên cứu của tạp chí Alzheimer's & Dementia, những người ngủ hơn 8 giờ mỗi đêm có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 35%. Ngủ quá nhiều gây tổn hại cho não vì khiến bạn lười biếng và thiếu suy nghĩ.
 

9. Thường xuyên dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ

 
Ánh sáng từ màn hình của các thiết bị điện tử như ipad, điện thoại không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà nó còn tác động xấu đến các hormone trong não. Nhiều người trong chúng ta có thói quen dùng điện thoại trước khi đi ngủ mà không lường hết được tác hại của ánh sáng này đối với sức khỏe. Chúng ảnh hưởng tới cấu trúc não khiến người dùng khó ngủ và thường xuyên mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Lâu ngày, nó dẫn tới các triệu chứng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ...

Theo Cafebiz

Bài khác

Bài viết mới